Những ký ức đẹp Tôi đến thăm ông Tô Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình vào một buổi chiều cuối thu. Biết mục đích chuyến thăm của tôi, ông tạm gác mọi công việc, dành trọn buổi chiều tĩnh lặng để cùng tôi ôn lại những kỷ niệm một thời học tập và sinh sống tại Liên bang Xô viết.
Trong hồi ức còn sống động như vừa mới hôm qua, nước Nga mùa Thu năm 1968 đẹp và vĩ đại vô cùng. Ông cùng đoàn du học sinh Việt Nam vừa đặt chân đến thành phố Kisinhốp thì được các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Liên Xô đón tiếp nồng hậu. Giáo viên không biết tiếng Việt, học trò thì một chữ tiếng Nga cũng không hay. Ông kể, năm đầu học tiếng là khoảng thời gian khó khăn nhất của đoàn du học sinh Việt Nam. Không những trò mà cả thầy giáo cũng phải nỗ lực giao tiếp, bằng mọi cách có thể, vừa học vừa cố gắng tìm tiếng nói chung. Ông xúc động kể cho tôi nghe về những tình cảm thân thương các thầy, cô giáo Nga dành cho sinh viên Việt Nam. Vào ngày nghỉ, các thầy, cô đến tận ký túc xá đưa học sinh đi tham quan, mua sắm đồ dùng, quần áo, giầy dép. Các thầy, cô còn đón sinh viên Việt Nam về thăm và sinh hoạt tại nhà giống như một thành viên trong gia đình. Có một điều đặc biệt là đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào, người dân Liên Xô đều dành cho sinh viên Việt Nam những tình cảm trân trọng và yêu thương đặc biệt. Lúc đó, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ được phát động sâu rộng trong toàn Liên bang Xô viết. Những cụ già, em nhỏ cũng dành dụm, tiết kiệm để ủng hộ Việt Nam. Sau một năm học tiếng Nga ở trường dự bị, ông cùng 2 sinh viên Việt Nam được cử về học tập tại khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Taskent. Có một kỷ niệm vẫn in đậm trong ký ức ông khi học tại đây, đó là giờ phút ông nhận tin Bác Hồ mất. Hôm đó là một buổi sáng mùa thu, khi giờ học vừa bắt đầu, thầy giáo đến các lớp có lưu học sinh Việt Nam, mắt đỏ hoe. Thầy nghẹn ngào báo tin Hồ Chủ tịch từ trần, sinh viên Việt Nam bật khóc nức nở, thầy giáo và các bạn cũng rơi lệ. Những ngày sau, nhà trường tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghi thức rất trang nghiêm, thành kính. Cả đất nước Liên Xô chia sẻ với Việt Nam đau thương, mất mát lớn lao ấy.
Nhóm sinh viên Ninh Bình cùng các sinh viên Việt Nam, sinh viên nước bạn Liên Xô tại trường Đại học tổng hợp Taskent năm 1973. Ảnh: Tư liệu Và một tình yêu nước Nga sâu nặng
Trong suốt chiều dài công tác, ông cùng các bạn - những người đã từng học tập và sinh sống ở Liên Xô luôn đau đáu một tình yêu nước Nga vô bờ bến. Gần nửa thế kỷ biến thiên của lịch sử, Liên Xô huy hoàng, nước Nga trong cơn bĩ cực…, bằng cả trái tim mình, họ luôn dõi theo bước chuyển mình của Liên Xô, đặc biệt là Liên bang Nga hiện nay.
Năm 1992, ngay sau tái lập tỉnh, ông cùng một số bạn bè đã thành lập Ban liên lạc của những người Ninh Bình từng học tập ở Liên bang Xô viết. Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt. Đây là dịp để những người coi Xô viết là "Tổ quốc thứ hai" có dịp ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Họ cùng nghe những bản nhạc Nga, nhớ về mùa thu vàng, về mùa đông tuyết trắng, nâng niu những kỷ niệm với các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Liên Xô. Có một điều họ nhận ra rằng, mỗi người từng học tập và sinh sống tại Liên bang Xô viết đều ảnh hưởng bởi tâm hồn Nga, tính cách Nga. Thẳng thắn, trung thực, trọng nghĩa tình - đó là những đức tính quý báu mà ông và các bạn ông học tập và thừa hưởng ở những người bạn Nga đôn hậu và giàu lòng hiếu khách.
Theo sự giới thiệu của ông, tôi tìm đến nhà ông Trần Kế Tấn, hiện là Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Ông nói, ông Tấn là một người mang đậm "tính cách Nga".
Khắc khổ, hơi gầy, ông Trần Kế Tấn có dáng vẻ của một nhà nghiên cứu khoa học hơn là một Giám đốc. Biết tôi có ý định đến để nghe "kể chuyện nước Nga", ông Tấn đưa cho tôi xem một tập sách và những bức ảnh ông chụp trong những lần trở lại thăm nước Nga. Sang Nga, ông Tấn có dịp trở về nơi mình đã từng học tập và sinh sống. Ông nói, thế hệ trẻ của nước Nga hôm nay năng động, sáng tạo, họ là chủ nhân của Liên bang Nga đang biến đổi từng ngày.
Những năm ở Liên Xô, ông Tấn học ngành Điện tại Trường Bách khoa Minsk (nay là Trường Đại học Kỹ thuật Bêlarút). Trở về Việt Nam, ông công tác ở Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cho đến nay. Miệt mài và đầy đam mê, sáng tạo, ông đã đem hết những kiến thức đã được học để xây dựng và phát triển Nhà máy. Trong câu chuyện với tôi, ông Tấn kể nhiều về tình cảm thân thương của nhân dân Xô viết dành cho sinh viên Việt Nam. Thời còn học ở Trường dự bị Bách khoa Lêningrát, có một bà mẹ người Nga đã trở thành mẹ chung của tất cả sinh viên Việt Nam. Mẹ có chồng hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai, có một con trai duy nhất công tác trong quân đội. Mẹ dạy Hóa ở một trường THPT trên địa bàn thành phố, do đó sinh viên Việt Nam gọi mẹ là bà mẹ Hóa. Yêu đất nước Việt Nam, cảm phục con người Việt Nam, mẹ đã tự học tiếng Việt. Mẹ Hóa dành trọn tình thương cho lưu học sinh Việt Nam, ra đón họ từ ga tàu, dẫn về ký túc xá, hướng dẫn từ cách ăn, ở, đi lại, giúp đỡ sinh viên Việt Nam học tiếng Nga. Mẹ thuộc tên hầu hết số học sinh Việt Nam học tại Lêningrát, ai ốm đau nằm viện, mẹ đều đến thăm hỏi, động viên. Tình cảm của những bà mẹ Nga, các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Nga là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ trong ký ức ông Tấn và những bạn bè ông.
Những người con Ninh Bình cùng đi trên chuyến tàu mùa thu năm 1968 sang Liên Xô học tập giờ đều thành đạt, họ công tác ở nhiều vùng, miền của đất nước. Có người công tác ở các Bộ, ngành Trung ương, một số về công tác ở các tỉnh, thành phố bạn, còn hơn 30 người đã và đang công tác tham gia xây dựng quê hương Ninh Bình. Các thành viên trong Ban thường xuyên liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ luôn có một điểm chung, là mãi lưu giữ tình cảm với đất nước, con người Nga, ở họ có một tình yêu nước Nga vô bờ bến.
Thu Thủy