Ghi nhận ban đầu cho thấy năm nay các trường thuộc 'tốp trên' vẫn được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các trường này đều không tăng chỉ tiêu hoặc tăng không đáng kể. ÐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 5.500 sinh viên ÐH hệ chính quy, không tăng thêm so với năm 2010. Trường ÐH Kinh tế quốc dân vẫn giữ khoảng 4.000 chỉ tiêu, bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ của các tỉnh, tương đương năm trước. Chỉ tiêu tuyển mới năm 2011 của ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ tăng nhẹ ở Trường ÐH Bách khoa (50 chỉ tiêu), ÐH Khoa học tự nhiên (25 chỉ tiêu bậc CÐ), ÐH Kinh tế - Luật (110 chỉ tiêu). Trường ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh dù dự kiến tuyển tăng 100 chỉ tiêu so với năm trước, nhưng chỉ tiêu từng ngành sẽ có thay đổi so với năm 2010. Vùng tuyển sinh cũng sẽ được mở rộng cả nước, thay vì giới hạn từ Ðà Nẵng trở vào như những năm trước. Trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Cần Thơ - ÐH lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Vĩnh An cho biết, chỉ tiêu dự kiến của trường năm nay vẫn giữ nguyên không có ngành mới. Nhiều trường ÐH lớn khác chỉ tiêu chỉ tăng ở hệ CÐ, còn chỉ tiêu ÐH vẫn giữ nguyên. Trường ÐH Mỏ - Ðịa chất tuyển mới 3.165 chỉ tiêu ÐH và hệ CÐ dự kiến tăng lên khoảng 10% với gần 500 chỉ tiêu, Trường ÐH Thủy lợi tuyển 2.900 chỉ tiêu ÐH và 300 chỉ tiêu CÐ.
Lý do giữ nguyên chỉ tiêu ÐH chính quy mà các trường ÐH đưa ra để tập trung đầu tư sâu hơn cho việc bảo đảm chất lượng trong điều kiện đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất hiện có. Ðiểm chuẩn cao, chỉ tiêu đầu vào vẫn giữ ổn định đồng nghĩa với việc cuộc đua vào các trường này ngày càng căng thẳng hơn. Trong khi đó, nhiều trường 'tốp giữa' tăng chỉ tiêu, điểm chuẩn vừa phải nên cơ hội vào ÐH sẽ rộng mở hơn với phần lớn thí sinh.
Một nghịch lý đang diễn ra, trong khi các khối thi khác số lượng hồ sơ ngày một tăng cao, thì ở khối C, nhiều ngành học lại rơi vào nguy cơ 'khát' thí sinh. Ngày càng ít thí sinh đăng ký vào học các ngành khoa học xã hội. Trường THPT Việt Ðức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hơn 2.200 hồ sơ đăng ký dự thi ÐH, CÐ năm 2011 thì có tới gần 1.100 bộ đăng ký dự thi khối A, chỉ có 3 thí sinh đăng ký dự thi vào khối C. Phòng GD-ÐT quận Hoàn Kiếm, trong số 250 hồ sơ thu được, không có một bộ nào dành cho khối C. Tại Phòng GD-ÐT quận Ba Ðình, Phòng GD-ÐT huyện Từ Liêm cũng trong tình trạng tương tự các nơi khác khi cũng chỉ nhận được lác đác vài bộ hồ sơ dự thi vào trường có khối C. Ở điểm thu hồ sơ tại cơ quan đại diện Bộ GD-ÐT tại TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 14-4 cũng nhận được tổng cộng hơn 5.000 hồ sơ ÐKDT. Nhưng theo thống kê thí điểm trên 1.400 hồ sơ ÐKDT của thí sinh tự do thì chỉ có 30 bộ hồ sơ dự thi khối C. Ở trường THPT Gia Ðịnh, trong số gần 1.000 học sinh lớp 12 thì chỉ có hai em nộp hồ sơ ÐKDT vào khối C. Trường THPT Lê Quý Ðôn, THPT Nguyễn Khuyến chỉ được vài bộ hồ sơ khối C.
Các số liệu thống kê cho thấy số lượng thí sinh thi vào khối C những năm gần đây chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hồ sơ đăng ký và trong đó chỉ 30% là thí sinh ở các thành phố, còn lại hầu hết đều từ khu vực nông thôn. Quy mô đào tạo các ngành văn, sử, địa, triết... ngày càng hẹp dần, ở nhiều trường đại học địa phương, khoa xã hội hầu như không tuyển sinh được. Liên tiếp trong các đợt tuyển sinh những năm gần đây, ở tất cả các trường phải tuyển đến NV2, NV3 mới đủ số lượng. Nhiều ngành học như Triết học, Xã hội học, Công tác xã hội, Lưu trữ, Thư viện thông tin... điểm chuẩn đều dao động quanh điểm sàn 14 điểm. Một số trường như ÐH Văn Hiến, ÐH Hùng Vương,... đã xảy ra cả tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu và buộc sinh viên phải chuyển sang ngành học khác hoặc gửi qua các trường khác có đào tạo cùng ngành. TS Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ÐH KHXH và NV- ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: 'Nếu năm 2009, có chín ngành phải xét tuyển NV2 thì năm 2010 có đến 12 ngành'.
Do nhu cầu của thí sinh thấp nên số lượng ngành học khối C cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính từ các tỉnh miền trung trở vào, số lượng trường có thi khối C chưa tới 20 trường. Các trường như ÐH Cần Thơ, ÐH Quy Nhơn, ÐHDL Văn Lang, ÐHDL Hồng Bàng, ÐH Tôn Ðức Thắng, ÐHDL Lạc Hồng đều chỉ tuyển từ hai đến ba ngành thi khối C. Ở hệ CÐ chỉ duy nhất mỗi Trường CÐ Lao động xã hội có thi tuyển khối C.
Một trong những yếu tố khiến cho các thí sinh cân nhắc trong việc nộp hồ sơ là mức học phí mà các trường đưa ra. Mức học phí trong năm 2011 có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường ÐH công lập, ngoài công lập và giữa các ngành trong cùng một trường. Trong năm 2011, các trường ÐH công lập thu học phí theo quy định của Nhà nước tùy theo ngành, khoảng từ 2,9 đến 3,4 triệu đồng/năm. Trong khi đó, học phí ở trường đại học ngoài công lập lại rất đa dạng, có trường thu 6 triệu đồng/năm nhưng cũng có trường thu 120 triệu đồng/năm. Trong khi hầu hết các trường ÐH phía nam đều công bố tăng học phí năm học 2011, thì nhiều trường phía bắc lại giảm học phí so với năm trước. Một số trường còn thực hiện chính sách giảm học phí cho người học như Trường ÐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị: 850.000 đồng/sinh viên/tháng trong năm học tới, trong khi năm 2010 là 1,1 triệu đồng/tháng. Một số trường ÐH cũng công bố thêm các chính sách hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút học sinh. Ðơn cử ÐH Dân lập Hải Phòng đưa ra học phí năm học 2011-2012 là 790.000 đồng/tháng, những học sinh đạt khá và giỏi ở THPT có NV1 thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 hoặc 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt bốn năm. Nhiều trường đưa ra mức học phí riêng cho từng ngành. Mức quy định ở các ngành công nghệ thường cao hơn các ngành xã hội hoặc kinh tế, tài chính. Việc thu học phí với mức cao thấp tùy ngành học được đánh giá phù hợp với thực tế vì mỗi ngành có một yêu cầu đào tạo khác nhau. Nhưng với mức học phí các trường ngoài công lập đưa ra cho thấy gánh nặng học phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc chọn trường của các thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ở nông thôn, thí sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Theo Nhandan