Trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra, nhiều trường đại học đã công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Còn lại tiếp tục xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, nhiều thí sinh đã nắm chắc cơ hội trúng tuyển vào trường đại học, chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là có thể nhập học.
Em Đinh Trần Tuấn Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) đã nhận được thư thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học FPT từ tháng 4/2021. Từ đó đến nay, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, em chỉ học, ôn tập bình thường, với các môn học tại trường, do giáo viên bộ môn giảng dạy, mà không phải học thêm ngày đêm như các bạn khác.
Tuấn Anh cho biết, em vốn yêu thích ngành học công nghệ thông tin, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật, nên khi nắm bắt được Trường đại học FPT xét tuyển học bạ và nhận thấy mình đủ điều kiện, em đăng ký ngay. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng ký và thực hiện các thủ tục cần thiết, Tuấn Anh đã được nhà trường thông báo đủ điều kiện xét tuyển thẳng thí sinh vào Top 50 theo kết quả xét tuyển học bạ THPT năm 2021, tính theo trang SchoolRank - công cụ xếp hạng học sinh THPT do Trường Đại học FPT phát triển.
"Em rất vui vì đỗ đại học trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hơn 2 tháng nay em chỉ tập trung vào học môn tiếng Anh, để khi nhập học vào trường, đủ điều kiện đạt chứng chỉ 5.5 về tiếng Anh, vào học tại khoa mà mình đã đăng ký. Việc học các bộ môn thi tốt nghiệp thì khá đơn giản. Em chỉ cần học đều, nắm bắt những kiến thức cơ bản ở các môn thi tốt nghiệp là đạt 6-7 điểm, đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp là được.
Qua mấy lần thi thử, các môn thi tốt nghiệp của em đều đạt loại khá, nên em rất yên tâm. Em thấy hài lòng khi đủ điều kiện được xét tuyển vào trường mình yêu thích. Bản thân em và gia đình đều yên tâm, thoải mái hơn vì không còn bị áp lực thi đỗ đại học nữa..." - Tuấn Anh chia sẻ.
Với chị Nguyễn Thị Minh Hải, phụ huynh của em Đinh Thị Tuyết Mai, học sinh Trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư) thì chị và gia đình đã định hướng và chuẩn bị sẵn cho con gái phương án xét tuyển đại học ngay từ cuối năm lớp 11. Chị Hải cho biết:
Qua nhiều bạn bè có con học lớp 12 trước đó, năm 2020 đã xét tuyển vào các trường đại học, tôi thấy rất thuận lợi và bớt áp lực cho con cũng như gia đình. Nên tôi nghiên cứu đăng ký cho con vào Trường Đại học Văn hóa và động viên con học tập đạt số điểm tổng kết bình quân tổ hợp xét tuyển như trường đặt ra.
Hiện con tôi đã đủ điều kiện và được xét tuyển vào trường, nên việc thi tốt nghiệp không còn là vấn đề lo ngại. Tôi thấy việc xét tuyển bằng học bạ cũng là một hình thức hay, giảm áp lực thi cử cho thí sinh và gia đình. Quan trọng là gia đình và thí sinh phải chọn được đúng ngành nghề, đúng sở thích, sở trường, để khi vào đại học phát huy được kết quả học tập tốt, ra trường tìm được công việc phù hợp...
Đối với em Vũ Mạnh Tùng, học sinh lớp 12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, thành tích học tập 3 năm của em rất xuất sắc, liên tục dẫn đầu lớp và toàn trường trong hầu hết các kỳ thi. Cũng như hầu hết các bạn trường chuyên, Tùng đăng ký xét tuyển học bạ để chắc một suất vào trường đại học mình yêu thích. Hiện em đã được thông báo tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại thương.
Nhưng Tùng cho biết, em vẫn tích cực ôn tập, phấn đấu thi và đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đây không chỉ là mục tiêu em đặt ra nhằm đạt số điểm cao nhất, được Quỹ Khuyến học, Khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh tỉnh Ninh Bình khen thưởng, mà còn khẳng định sự nỗ lực, ghi nhận thành tích học tập trong 12 năm qua, đặc biệt là 3 năm học THPT của mình.
Theo khảo sát của các trường THPT trong tỉnh, so với năm 2020, năm 2021, học sinh và phụ huynh đã quan tâm hơn đến phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ. Nhiều thầy, cô giáo cho rằng, xét tuyển học bạ là phương án khả thi và vừa sức đối với khá nhiều học sinh, do đó, các em nên quan tâm chọn phương án xét tuyển học bạ.
Bởi việc thi cử tất nhiên là "học thật thi thật", nhưng vẫn có thí sinh rơi vào tình trạng "học tài thi phận" do chịu áp lực tâm lý quá lớn từ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè... Nên kỳ thi năm trước, đã có những học sinh khá, giỏi, nhưng trượt đại học đầy tiếc nuối, do đăng ký vào trường đại học không phù hợp, do số lượng thí sinh ảo...
Do vậy, để cánh cửa đại học rộng mở, học sinh nên chọn những trường có chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ cao hơn so với phương thức xét điểm thi THPT. Cùng với đó, các em nên tìm hiểu và lựa chọn vào những trường đại học phù hợp với năng lực, trình độ, niềm yêu thích của mình; có cơ sở vật chất tốt, các khoa đào tạo phù hợp với thực tế nhu cầu xã hội, môi trường đào tạo chuyên nghiệp, giúp phát triển kỹ năng, kiến thức, trình độ cho nghề nghiệp sau này.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, do đó được chủ động tuyển sinh với nhiều hình thức khác nhau. Tùy vào điều kiện thực tế và chất lượng giáo dục của từng trường đại học, nhưng hầu hết các trường thường quy định thí sinh sử dụng kết quả học bạ THPT để đăng ký xét tuyển vào trường.
Các trường sẽ tính điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12; chỉ năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 hoặc điểm trung bình cộng cả 3 năm lớp 10, 11, 12; có khi là điểm trung bình cộng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển theo khối... Mỗi trường sẽ có những mức điểm quy định riêng, nhưng thường sẽ phải có điểm đạt trung bình trở lên, nhưng đa số phải là đạt điểm khá, giỏi. Thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển khi đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cả nước có tổng số gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, số vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học gần 759 nghìn thí sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Theo đó, có hơn 100 trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Đến hết tháng 6/2021, đã có hàng chục nghìn thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học nhờ xét tuyển kết hợp, xét học bạ hoặc bằng các phương thức riêng của từng trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, có không ít người cho rằng việc vào đại học dễ quá, khi biết kết quả trúng tuyển đại học sớm, khiến học sinh không tập trung học tập, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Cùng với đó là lo ngại về chất lượng giáo dục phổ thông, trong điều kiện ngành Giáo dục chưa kiểm soát hết chất lượng giáo dục và vẫn còn bệnh thành tích, thì điểm ở học bạ chưa chắc đã chuẩn để đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi