Phóng viên: Đồng chí đánh giá khái quát kết quả nổi bật của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh ta?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh đã thành công tốt đẹp, đúng quy chế, an toàn và không có sai sót. Kết quả bình quân điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc. Đạt được kết quả đó là có sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, nhất là Công an, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các địa phương. Tại tất cả các điểm thi, công tác coi thi đều đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế, không có sai sót. Công tác chấm thi đảm bảo tốt, đúng quy chế, chặt chẽ tại tất cả các khâu chấm thi trắc nghiệm, cũng như tự luận. Đặc biệt, các em học sinh phúc khảo các môn trắc nghiệm thì không có em nào được thay đổi điểm. Do đó, Ban chỉ đạo kỳ thi tỉnh đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế mặc dù trên địa bàn cả nước có một số địa phương để xảy ra tình trạng gian lận thi cử, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Phóng viên: Đồng chí cho biết những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là gì?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Từ những hiện tượng tiêu cực xảy ra năm 2018 ở các địa phương miền núi phía Bắc thì việc chỉ đạo thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới như: Việc tính điểm xét tốt nghiệp tính kết quả điểm thi chiếm 70% và 30% kết quả học tập (năm 2018 thì kết quả học tập 50%, điểm thi 50%). Thí sinh của tỉnh Ninh Bình được dự thi tại cụm thi đặt tại tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thí sinh tự do, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên được xếp chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số điểm thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định (tại các điểm thi này, học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi chiếm ít nhất 60% tổng số thí sinh của điểm thi). Túi đựng bài thi, phiếu thu bài của từng phòng thi được thư ký của điểm thi cùng hai cán bộ coi thi niêm phong tại chỗ bằng nhãn niêm phong theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bảo quản và sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi được bảo quản trong các tủ riêng biệt, tủ chắc chắn, tủ chống cháy. Phòng bảo quản đề thi và bài thi được lắp camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động ở phòng 24h/ngày; có công an trực, bảo vệ 24/24h và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tại Trường THPT Vũ Duy Thanh. Ảnh: Đinh Minh
Cùng với đó, thứ tự phát đề đối với bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo 1 trong 2 cách, đó là phát theo thứ tự lần lượt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới hoặc phát theo cách phát theo thứ tự lần lượt từ phải sang trái, từ trên xuống dưới (phát theo sơ đồ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định). Bố trí hệ thống mạng LAN, bộ lưu điện dự phòng dùng trong chấm thi trắc nghiệm. Việc quét bài thi trắc nghiệm đều được kiểm soát chặt chẽ, bài sau khi quét ảnh được mã hóa. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phụ trách chấm bài thi trắc nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình phụ trách chấm bài thi tự luận. Trong chấm bài thi tự luận tăng cường thanh tra của Bộ, của Sở chấm kiểm tra ít nhất 5% trở lên và đặc biệt những bài có điểm cao phải tổ chức chấm lại và do trưởng ban chấm quyết định.
Công tác thanh tra, giám sát của Bộ và của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tại các điểm thi được tăng cường để đảm bảo mọi khâu đều được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là thanh tra cả khâu coi thi, chấm thi, quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại phòng đựng đề thi và đựng bài thi. Mọi phương án an ninh chặt chẽ ở các phòng chờ trong khu vực thi đối với thí sinh thi các môn tổ hợp, đảm bảo đúng quy định. Cán bộ, giáo viên coi thi được tập huấn thường xuyên để mọi người nắm vững quy chế thi, quy trình làm thi, hiểu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Phóng viên: Vậy phương hướng chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại cụm thi tỉnh Ninh Bình như thế nào, thưa đồng chí?
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn: Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại 24 điểm thi chính thức và dự kiến 384 phòng thi. Kỳ thi năm nay có tổng số thí sinh đăng ký dự thi 8.974 thí sinh (ít hơn năm trước 682 thí sinh), trong đó 8.699 thí sinh đang học lớp 12 (gồm 7.866 thí sinh THPT, 833 thí sinh GDTX), 275 thí sinh tự do. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp là 8.745, trong đó có 2.964 thí sinh đăng ký dự thi bài khoa học tự nhiên, chiếm 33,89%; 5.762 thí sinh ĐKDT bài thi khoa học xã hội, chiếm 65,89%. Đến hết tháng 5/2019, Sở đã tổ chức 2 lần thi thử đối với toàn bộ học sinh, học viên lớp 12 THPT, GDTX. Các thí sinh THPT dự thi 4 bài: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp tự chọn; thí sinh GDTX thi 3 bài thi là Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp tự chọn. Tỷ lệ thí sinh làm bài thi/tổng số học sinh, học viên lớp 12 đạt trên 99%.
Với quan điểm chỉ đạo tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chính xác, công bằng, đánh giá đúng kết quả bài làm của thí sinh; trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh học quy chế thi, đồng thời tổ chức ôn tập kiến thức, động viên tư tưởng cho học sinh vững tâm trước kỳ thi; tiếp tục chuẩn bị tốt điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị điều kiện tại các điểm thi...
Dự kiến có 560 cán bộ, giáo viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham gia làm thi tại Ninh Bình và 508 cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trực tiếp coi thi tại các điểm thi; tổ chức xe đưa đón cán bộ làm thi thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về các điểm làm thi nhằm đảm bảo an toàn, tập trung. Ban chỉ đạo thi kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi, tiến hành nhắc nhở việc tu bổ cơ sở vật chất điểm thi đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi theo quy định.
Ngoài việc thực hiện theo đúng quy chế thi, quy định, lịch trình, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn chủ động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, chọn cử đúng, đủ cán bộ tham gia làm thi, đặc biệt là những cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt, nắm vững quy chế thi; tăng cường công tác thanh tra đặc biệt là tại các điểm thi, không bố trí những người có con tham dự kỳ thi làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân