Theo đó, Công văn nêu rõ những nội dung cơ bản về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, bao gồm: Về lịch thi, môn thi; phần mềm quản lý thi; chế độ báo cáo và lưu trữ và những công việc cụ thể cho từng khâu, từng công đoạn của kỳ thi thực hiện theo Quy chế thi, Hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019 của Bộ GD&ĐT.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, quy định đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp KHTN (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp KHXH (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả 2 bài tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nếu thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này, nếu bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Năm nay, Ninh Bình có gần 9 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, thí sinh THPT là hơn 8,6 nghìn, còn lại là thí sinh tự do và các trung tâm. Sở GD&ĐT Ninh Bình thành lập 35 đơn vị đăng ký dự thi tại các huyện, thành phố để thu, nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh trong tỉnh.
Hạnh Chi