Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung góp ý vào các nội dung: thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN); dự phòng ngân sách (Điều 10); về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và về quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Theo đó, đại biểu tán thành với quy định Quốc hội quyết định dự toán NSNN và điều chỉnh dự toán NSNN (Điều 19), đồng thời cũng quy định Chính phủ điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 25 và Điều 51). Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định tính hiệu quả của cơ chế giám sát và báo cáo; tính minh bạch trong công khai ngân sách nhà nước.
Góp ý cụ thể về dự phòng ngân sách (Điều 10), dự thảo Luật quy định mức bố trí dự phòng là từ 2% - 5% (luật hiện hành quy định từ 2% - 4%). Theo đại biểu, trước diễn biến tình hình kinh tế phức tạp như hiện nay, việc tăng mức bố trí dự phòng ngân sách có thể là một giải pháp giúp tăng cường khả năng chủ động ứng phó với các rủi ro. Tuy nhiên quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình hình kinh tế cụ thể, các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và sự cân đối giữa việc đảm bảo an toàn tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó cần được xem xét, đánh giá đầy đủ cả mặt tích cực cũng như các tiêu cực tiềm ẩn khi điều chỉnh tăng mức dự phòng.
Đại biểu nhấn mạnh: Xét về mặt tích cực khi tăng dự phòng sẽ giúp tăng khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, giúp chủ động trong xử lý các tình huống khẩn cấp; ổn định ngân sách. Và một nguồn dự phòng lớn sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế. Song cũng cần xem xét kỹ lưỡng mặt tiêu cực tiềm ẩn của việc tăng tỷ lệ dự phòng ngân sách đó là sẽ làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc tăng tỷ lệ dự phòng đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ chi cho các hoạt động khác gồm cả đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Điều này có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Khoản tiền dự phòng lớn nếu không được đưa vào sử dụng ngay có thể gây lãng phí lớn. Hơn nữa, như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và tài chính cũng đã chỉ ra 3 vấn đề cho thấy việc điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng lên tối đa 5% là chưa đủ cơ sở. Do vậy, đề nghị giữ nguyên mức bố trí dự phòng ngân sách như Luật hiện hành là từ 2% đến 4%.
Ngoài ra đề nghị bổ sung một điểm d vào khoản 2 Điều 10 quy định “Sau ngày 31/10 năm kế hoạch, nếu không phát sinh nhu cầu các khoản chi quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 điều này thì cấp có thẩm quyền có thể sử dụng dự phòng ngân sách để bổ sung cho các nhiệm vụ chi cần thiết khác, sau khi ước tính số dư hợp lý còn lại". Do dự phòng cũng là khoản chi NSNN của năm nếu không sử dụng hết sẽ lại tồn ở kết dư, gây lãng phí không cần thiết nên cần có phương án sử dụng khi các nội dung dự phòng không phát sinh.
Nêu ý kiến về quy định điều chỉnh dự toán NSNN trong dự thảo luật, để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện chấp hành NSNN, đề nghị sửa đổi thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 31 tháng 1 năm sau, phù hợp với thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN tại khoản 2 Điều 63 Dự thảo Luật.
Về quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Khoản 2 Điều 35, Dự thảo Luật quy định 2 Phương án, để đảm bảo ổn định và chủ động cho ngân sách địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cân đối và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và NSNN trong trung hạn, đồng thời làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN, đại biểu đồng tình với phương án 1 trong dự thảo luật: quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương của các khoản thu phân chia.
Cũng trong phiên thảo luận, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều đại biểu đã góp ý cụ thể về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chánh án Toà án Nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.