Tích cực triển khai "mỗi làng một nghề" Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" được bắt nguồn từ Nhật Bản được gọi tắt là OVOP. Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nước ta cũng đã học tập mô hình "mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản và gọi là phong trào "Mỗi làng một nghề". Đối với tỉnh ta, chủ trương này của Nhà nước cũng phù hợp với chỉ đạo của tỉnh trong việc quy hoạch và phát triển làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương thì đến năm 2011, toàn tỉnh có 275 làng có nghề và 54 làng nghề. Các nghề và làng có nghề phân bố ở 7/8 huyện, thành phố, thị xã, tập trung chủ yếu ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Hoa Lư. Giá trị sản xuất của làng có nghề đạt 2.060,1 tỷ đồng, làng nghề đạt 1.214,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động tham gia sản xuất TTCN ở làng nghề đạt 22,16 triệu đồng/người/năm. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn trong những năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông thôn nông dân có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Theo tinh thần đó, những năm gần đây cơ cấu lao động nông thôn ở tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tiến bộ, ngày càng phù hợp với tiến trình CNH-HĐH. Nông nghiệp đã có sự chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông, tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hóa. Cùng với nông nghiệp các ngành nghề thủ công, dịch vụ cũng đang phát triển theo sự định hướng của Nhà nước về triển khai phong trào "Mỗi làng một nghề". Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương nhận xét: Xét trên nhiều khía cạnh, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn còn chậm và chưa đều. Đặc biệt là ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, nông thôn đang trong tình trạng lúng túng. Mặc dù ngành Công thương cũng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng khác như Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… để nâng cấp làng có nghề thành làng nghề và đưa nghề mới vào làng chưa có nghề sớm triển khai thành công phong trào "mỗi làng một nghề" nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là các nghề truyền thống hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để người lao động sống được bằng nghề. Một số địa phương như Nho Quan, Gia Viễn…do tập tục, văn hóa, thói quen người nông dân là ngoài 2 vụ sản xuất chính, không thích làm các nghề thủ công mỹ nghệ. Mặc dù Nhà nước đã đưa nhiều doanh nghiệp vào vùng nông thôn để truyền nghề nhưng kết quả là doanh nghiệp đi nghề cũng đi theo.
Để triển khai phong trào "Mỗi làng một nghề" một cách thiết thực, đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội cho các địa phương thì cần gắn chặn phong trào với sự phát triển chung của địa phương như phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đó cũng là cách khơi dậy truyền thống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có "cú hích", trước hếtvề đất đai để tạo nguồn nguyên liệu;ưu tiên cho vay vốn; có thể lồng ghép các dự án để đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề. Tăng cường hoạt động để tiếp tục đào tạo nghề, nhân cấy nghề nhằm gia tăng về số hộ và số lao động ngành nghề của làng. Xây dựng thêm các doanh nghiệp tại làng có nghề để huy động thêm các hộ làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Mở rộng thêm số lượng ngành nghề với mục đích tăng số hộ, lao động, giá trị sản xuất và thu nhập của người dân trong làng nghề
Tỉnh nên có chính sách hỗ trợ xây dựng kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án khôi phục làng nghề, nhân cấy nghề. Tạo điều kiện cho nghệ nhân truyền nghề, mở lớp đào tạo, gây dựng lại nghề và tiếp thị, quảng bá cho các làng nghề truyền thống. Chú trọng phát triển các sản phẩm tiêu biểu như: cói, thêu ren, đá mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm… từng bước du nhập thêm các nghề mới và mở mang các loại hình dịch vụ sản xuất, phục vụ du lịch. Tập trung phát triển làng có nghề ở các huyện còn nhiều làng thuần nông như: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Nhân tố quan trọng nhất trong phong trào này đó là con người. Vì vậy, để làm tốt những việc nói trên nhất thiết phải có một lực lượng nông dân mới có tri thức khoa học, được đào tạo để họ không chỉ nắm vững kỹ thuật ngành nghề, am hiểu văn hóa mà còn thích ứng nhanhtrong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều cốt lõi là mỗi người dân trong làng phải thực sự nâng niu trân trọng, gắn bó máu thịt, quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoácủa nghề; đó là điều kiện có tính quyết định để làng nghề tồn tại và phát triển, làm cho phong trào "Mỗi làng mỗi nghề" được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
Gắn kết làng nghề với du lịch
Để chấn hưng và phát triển làng nghề theo mục tiêu người lao động sống được với nghề, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực hiện. Trước đó, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 9-8-2006 "Về đẩy mạnh phát triển nghề trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ"; Trong đó, quy hoạch định hướng cho các làng nghề trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương được xem là khâu quan trọng nhất. Từ đó xem xét nghề nào cần bảo tồn, nghề nào cần khôi phục, phát triển mở rộng để có hướng đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tập trung cho từng vùng, từng địa bàn cụ thể nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ làm tốt khâu quy hoạch sẽ có điều kiện để xử lý vấn đề môi trường. Mở rộng mặt bằng khắc phục được tình trạng tự phát nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh như hiện nay.
Bên cạnh những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các sản phẩm truyền thống của các làng nghề như: liên kết chặt chẽ giữa làng nghề với doanh nghiệp và Nhà nước để tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ thông tin, đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại; đào tạo nhân lực có tay nghề cao; hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất, kỹ thuật, công nghệ…, một hướng mở khả thi cho các làng nghề hiện nay là chương trình gắn kết sản xuất làng nghề với du lịch.
Thông qua du lịch, sản phẩm của các làng nghề có điều kiện đến với nhiều đối tượng tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu tại chỗ. Hiện mô hình du lịch làng nghề và làng nghề du lịch đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp phối hợp triển khai như: Vân Long (Gia Viễn); Sơn Hà (Nho Quan)… bước đầu đã đem lại những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của các làng nghề.
Trong thời gian tới, Ninh Bình cần tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông, xây dựng và duy trì hiệu quả website về làng nghề của tỉnh. Đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng làng nghề, phục vụ cho nhu cầu du lịch. Xây dựng và hợp tác liên kết với các địa phương như: thành phố Hà Nội, các tỉnh Duyên hải đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ theo các tour du lịch làng nghề để tham quan các điểm du lịch. Bên cạnh đó, kịp thời trùng tu và phát triển các di tích văn hóa, lịch sử, các hoạt động lễ hội truyền thống trong mỗi làng nghề, góp phần làm phong phú thêm nội dung các tour du lịch làng nghề.
Việc phát triển làng nghề phải gắn với phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng về bảo tồn làng nghề, bao gồm việc nâng cấp, bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử, nghệ nhân, xây dựng giữ gìn nét văn hóa và hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu sáng tác phù hợp từng làng nghề, từng địa phương.
Thiết nghĩ, làng nghề và nghề truyền thống đã đồng hành cùng người nông dân trong công cuộc mưu sinh hàng nghìn năm nay. Nó không chỉ là hoạt động sản xuất hàng hóa đơn thuần, mà còn là tài sản văn hóa vô giá. Nếu được nghiên cứu đầu tư thỏa đáng, tìm được hướng đi thích hợp, các làng nghề không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha xưa.
Nguyễn Thơm