Di sản Tràng An được ví như “viên ngọc quý”, đã trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn những giá trị quý báu của thiên nhiên văn hóa và nhân văn. Kể từ sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, những giá trị của di sản được Ninh Bình phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, là nội lực vững chắc trong phát triển của công nghiệp văn hóa, từ du lịch đến ẩm thực và điện ảnh....
Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Tính đến thời điểm này, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu 1 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An với giá trị nổi bật toàn cầu, thu hút khách du lịch. Sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và thẩm mỹ của di sản cộng hưởng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc… là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Ninh Bình.
Theo các nhà khoa học, Tràng An sở hữu khoảng 30 thung và hơn 50 hang động, mỗi nơi mang một vẻ đẹp riêng biệt, kỳ thú và hấp dẫn. Hòa quyện vẻ đẹp tự nhiên, Tràng An còn lưu giữ trong mình kho tàng di tích lịch sử và văn hóa đồ sộ. Những báu vật này thể hiện sự phát triển văn hóa của Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, lưu giữ các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến c môi trường trong hơn 30.000 năm, từ 1.200 đến 33.000 năm trước.
Lịch sử cũng ghi nhận Hoa Lư xưa vừa là vùng đất phát tích của Vạn Thắng Vương Đinh Tiên Hoàng, vừa là nơi có địa hình núi đá vôi bao bọc, bên trong có trầm tích hang đá, tạo nền tảng cho một cố đô xưa, nơi có năng lực phòng thủ tốt nuôi dưỡng sức mạnh của ba triều đại huy hoàng. Ninh Bình nay là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên sức hấp dẫn về du lịch của một chốn phồn hoa đô thị.
Từ những khung cảnh “Sơn kỳ, thủy tú, động tiên” ấy đã phát lộ tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh từ Tràng An là rất lớn. Từ đó đã tạo ra nhiều bộ phim và chương trình truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả trong nước và quốc tế, như bộ phim nổi tiếng “Indochine” của đạo diễn Régis Wargnier người Pháp, có bối cảnh quay ở Tam Cốc, Ninh Bình giai đoạn 1920-1950. Đến năm 2017, hình ảnh non nước tráng lệ của Ninh Bình một lần nữa được lan tỏa với tốc độ “chóng mặt” trên toàn thế giới khi xuất hiện trong bộ phim bom tấn Skull Island.
Đó là hai trong số rất nhiều những minh chứng cho thấy sức hấp dẫn, tiềm năng của Quần thể Danh thắng Tràng An. Đây không chỉ là nơi để nghỉ dưỡng, du lịch, ngắm cảnh đơn thuần mà còn là tài sản quý giá, là động lực, trung tâm để tỉnh khai thác và phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà lĩnh vực điện ảnh như trên là một ví dụ tiêu biểu.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đã được các địa phương khai thác thành công như Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2023, Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023... và đặc biệt, một trong những sự kiện văn hóa lớn được tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công đó là Festival Ninh Bình-Tràng An...
Đây là những sự kiện có tính điểm nhấn khẳng định nét văn hóa đặc sắc, mang thương hiệu riêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Chính các sản phẩm này đã và đang tạo nên dấu ấn “định vị thương hiệu địa phương” của Ninh Bình trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế; đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (TripAdvisor, Telegraph, Business Insider...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch thân thiện nhất, hấp dẫn nhất, được yêu thích nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới...
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận xét: Tràng An là một phần không thể tách rời của văn hóa địa phương, dân tộc, với nhiều di tích, truyền thống và tập tục phản ánh đời sống và tư duy của cộng đồng địa phương cũng như phản ánh một phần lịch sử đất nước. Chúng ta nhận thấy, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từ Di sản Tràng An sẽ tạo ra cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, cũng như tăng cường nhận thức và tự hào dân tộc; tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương từ việc cung cấp dịch vụ du lịch đến việc sản xuất và bán các sản phẩm và dịch vụ liên quan.
Theo thống kê của Sở Du lịch, sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là di sản thế giới đã có những đóng góp hiệu quả về kinh tế thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012, Quần thể danh thắng Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO công nhận) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách.
Năm 2023, Ninh Bình đón hơn 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. 10 tháng năm 2024, Ninh Bình đón trên 7,68 triệu lượt khách, tăng 30,9%, vượt 2,4% kế hoạch năm; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 7.773 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 94,2% so với kế hoạch năm.
Số liệu thống kê trên cho thấy, các giá trị của di sản đã trở thành động lực căn bản trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng. Đồng thời từng bước khẳng định quyết tâm của tỉnh “Biến thách thức lãnh thổ nhỏ hẹp và quy mô dân số hạn chế thành cơ hội, động lực đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được này, TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đánh giá: Những suy tư trằn trọc thoát nghèo của lãnh đạo, trí thức và doanh nhân Ninh Bình đã tạo ra một cuộc “vượt cạn” ngoạn mục, từng bước biến những bất lợi tự nhiên thành thế mạnh mới, chuyển những lợi thế di sản của cha ông thành tài sản; biến những quặng quý của thiên nhiên thành những sản phẩm du lịch có thể giúp Nhân dân trong tỉnh thoát nghèo và phục vụ Nhân dân trong nước, trong khu vực và được thế giới biết đến… “Không dừng ở đó, Ninh Bình đang có những chiến lược với tầm nhìn vượt trội, vững chắc và hiệu quả trong công cuộc xây dựng hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo tồn bền vững di sản hiện có là nền tảng là mạch nguồn cho ngành công nghiệp văn hóa thơm lành, ngon sạch, mãn nhãn, bay bổng…”-TS. Nguyễn Việt khẳng định.