Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
Khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Yên Khánh cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là về cơ sở vật chất. Đối với bậc Mầm non thì điều này càng nan giải hơn trong bối cảnh "lịch sử" để lại: Các xã, thị trấn có quá nhiều điểm trường lẻ (trung bình mỗi xã có từ 5-7 điểm trường lẻ), số phòng học kiên cố còn thấp, phòng học xuống cấp và phòng tạm còn nhiều (đa số học nhờ nhà kho của các HTX, nhà văn hóa thôn, xóm)..., gây khó khăn cho việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa nói đến việc xây dựng các phòng học bộ môn, phòng chức năng và các công trình phụ phục vụ công tác giảng dạy. Mặt khác, Yên Khánh là huyện thuần nông, thu nhập của người dân còn thấp nên việc huy động đóng góp của nhân dân còn nhiều hạn chế...
Trước thực tế trên, Yên Khánh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó đề cao việc chủ động phát huy nội lực. Đồng chí Trần Thị Bản, Phó Trưởng phòng giáo dục huyện Yên Khánh cho biết: Mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2005-2010). Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2010 có 50% số trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, không dễ thực hiện nếu không có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở. Huyện đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện, từ đó tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm cao.
Năm 2004, trường Mầm non Hoa Sen (thị trấn Yên Ninh) là trường đầu tiên trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Những kinh nghiệm trong suốt 2 năm làm chuẩn (2002-2004) cho trường Mầm non Hoa Sen đã được huyện rút ra để ngành giáo dục cũng như các địa phương khác học tập, phấn đấu. Trên cơ sở đó, các xã đã chủ động quy hoạch, thiết kế, bố trí diện tích phù hợp và giảm dần các điểm trường lẻ để có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết theo các tiêu chí của trường chuẩn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực quan tâm xây dựng trường, lớp, góp phần xây dựng xã hội học tập và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thực hiện triệt để phương châm "đổi đất lấy công trình", trong đó ưu tiên cho việc xây dựng các trường học.
Trong quá trình xây dựng, điều quan trọng là phải thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở. Trước khi xây dựng trường Mầm non, các địa phương thông báo cho nhân dân biết dự kiến kinh phí, thiết kế, địa điểm xây dựng, tiến trình xây dựng trường… Sau khi được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, chính quyền thành lập Ban giám sát công trình gồm các thành phần: Hội CCB, Hội khuyến học, Hội Phụ huynh học sinh, đảm bảo các công trình được thi công đúng tiến độ, chất lượng, đem lại niềm tin cho nhân dân. Ngoài việc trích ngân sách địa phương từ nguồn đấu giá đất, các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động con em quê hương ở mọi miền đất nước, người góp công, góp sức cùng nhau xây dựng trường cho các cháu.
Với cách làm trên, trong 3 năm qua (2005-2008), Yên Khánh đã huy động hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường Mầm non. Đến nay, huyện đã có 8 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia với 54 phòng học cao tầng. Toàn huyện không còn phòng học tạm, lớp học nhờ. Một số địa phương thực hiện tốt phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, đó là: xã Khánh An, Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Phú...
Chủ động về đội ngũ Đi đôi với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, Yên Khánh còn tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng nhiệm vụ. Phòng Giáo dục huyện đã yêu cầu các trường thường xuyên vận động các cô giáo không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp người thầy. Tập trung xây dựng và củng cố chi bộ ở các trường học, khắc phục triệt để tình trạng chi bộ ghép. Các trường tạo điều kiện để cho giáo viên được tham gia bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng.
Song song với việc phấn đấu rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị, các cô giáo mầm non đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên trong học tập để khẳng định mình trong hoạt động chuyên môn, thực hiện soạn bài đầy đủ, chất lượng theo chương trình giáo dục Mầm non. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua do trường, ngành phát động như: phong trào thi đua "hai tốt", "phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà", "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"...
Đội ngũ cán bộ, CNVC trong các trường Mầm non trên địa bàn được quan tâm bổ sung về số lượng, trẻ hóa, chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Toàn huyện hiện có tổng số 628 cán bộ, giáo viên mầm non, trong đó đảng viên là 329 người (chiếm tỷ lệ 52,38%). Nhiều giáo viên cấp tỉnh, cấp huyện. 96% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (107 người có trình độ đại học, cao đẳng, 535 người có trình độ THCN). Huyện đang tiếp tục gửi 26 người đi đào tạo trung cấp, đảm bảo không có giáo viên nào chưa qua đào tạo.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nhóm trẻ, mẫu giáo đạt kênh A từ 88 -90%, kênh B là 10-12%, không có kênh C, không có trẻ mắc bệnh béo phì. Năm học 2007-2008, bậc học Mầm non Yên Khánh xếp thứ nhất trong khối các huyện, thị xã, thành phố. Với một đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, tâm huyết, các trường mầm non đã là chiếc nôi để các bậc cha mẹ gửi gắm những "mầm xanh" yêu thương.
Nếu như năm 2004, toàn huyện mới có 1 trường đạt chuẩn quốc gia thì đến nay Yên Khánh đã có 8/20 trường đạt danh hiệu này. Và hiện nay huyện đang tiếp phấn đấu có thêm tục xây dựng 2 trường Mầm non ở các xã Khánh Cư và Khánh Lợi đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, mục tiêu đến năm 2010 có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia sẽ sớm hoàn thành.
Tuy nhiên, theo đồng chí Trịnh Thị Bản thì bậc giáo dục mầm non trong huyện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đó là chế độ tiền lương của giáo viên tuy đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây song vẫn còn quá thấp (thu nhập trung bình của mỗi cô giáo mầm non là 750.000 đồng/tháng). Giáo viên trong biên chế còn ít, trong tổng số 628 cán bộ, giáo viên thì mới có 111 người được biên chế (chủ yếu là cán bộ quản lý)... Điều này không chỉ xảy ra ở Yên Khánh mà còn là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh. Thực tế trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần sớm quan tâm nhằm đảm bảo ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho giáo viên mầm non, giúp họ yên tâm, gắn bó với nghề.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa