Thành công trong việc xóa thôn, bản "trắng" chi bộ
Huyện Nho Quan có 76 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện và 437 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với 7.912 đảng viên, tổng số đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 là 1.309 đảng viên, đạt 104,7% so với kế hoạch, số đảng viên kết nạp năm 2011 là 303 đảng viên, đạt 100,1% kế hoạch. Được biết, đầu nhiệm kỳ 2005 - 2010, cả huyện Nho Quan còn 7 thôn, bản "trắng" chi bộ, chủ yếu là ở vùng đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó đã kéo theo nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Do đó, Huyện ủy Nho Quan đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở làm tốt công tác phát triển Đảng và xóa thôn, bản "trắng" chi bộ.
Với phương châm chỉ đạo: Bản làng có đảng viên, xóm đạo có đảng viên, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tiến hành khảo sát tại 7 đảng bộ và 7 thôn, bản để xây dựng đề án xóa thôn, bản "trắng" chi bộ trên cơ sở bám sát thực tế từng địa phương với những giải pháp phù hợp, cụ thể, phân công cấp ủy phụ trách từng thôn, bản. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện phối hợp với Đảng bộ các xã mở các lớp đặc cách để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là người có đạo tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng…
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng ủy các xã còn có thôn, bản "trắng" chi bộ, còn có chi bộ ghép đề ra nhiều giải pháp, cụ thể như: Giao chỉ tiêu cho các đoàn thể xây dựng nguồn thu hút, tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên tham gia sinh hoạt hội, có kế hoạch giúp đỡ quần chúng ưu tú có nguyện vọng vào Đảng… Ngay đối với chi bộ ghép đã có nghị quyết về việc kết nạp đảng viên, quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt như Hội Người cao tuổi, già làng, trưởng bản, các vị chức việc tham gia ủng hộ hoạt động của các đoàn thể, phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú trong các đoàn thể, phân công đảng viên trong chi bộ theo dõi, giúp đỡ những quần chúng tích cực, có hướng phấn đấu. Đặc biệt, trong tất cả các buổi sinh hoạt của mặt trận, các đoàn thể, họp thôn, chi bộ đều quan tâm phân công đảng viên phụ trách đoàn thể cùng dự để nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ đoàn thể hoạt động hiệu quả…
Với cách làm như trên, trong nhiệm kỳ 2005-2010, toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.309 đảng viên mới, thành lập 1 chi bộ doanh nghiệp tư nhân, xóa hoàn toàn thôn, bản "trắng" chi bộ trên địa bàn huyện theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2005- 2010) đã đề ra.
Luân chuyển cán bộ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ
Từ Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6-1997), Nghị quyết về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" đã được thông qua, trong đó nêu rõ: "Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ; Bộ Chính trị (khóa XI) đã có kết luận "Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Điều đó cho thấy, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, việc quy hoạch, điều động và luân chuyển cán bộ được xác định là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng.
Thời gian qua, Nho Quan là một trong số những địa phương của Ninh Bình làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, đảm bảo đúng yêu cầu về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cán bộ. Để thực hiện công tác này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn trong số cán bộ được quy hoạch luân chuyển về các xã, thị trấn; luân chuyển giữa các khối Đảng, đoàn thể và khối Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thực tế và khắc phục hẫng hụt cán bộ ở một số địa phương, đơn vị.
Từ năm 2005 đến nay, Huyện ủy đã tiếp nhận 3 đồng chí cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển về huyện, trong đó 2 đồng chí về làm Bí thư Huyện ủy, 1 đồng chí về làm Phó Chủ tịch UBND huyện. Huyện luân chuyển 8 đồng chí Huyện ủy viên là trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể về làm bí thư đảng ủy các xã, thị trấn (độ tuổi dưới 35 luân chuyển 5 đồng chí, đạt 62,5%); luân chuyển 5 đồng chí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã về công tác ở các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện; 12 đồng chí từ khối cơ quan Đảng, đoàn thể sang khối cơ quan Nhà nước; 9 đồng chí từ khối cơ quan Nhà nước sang khối cơ quan Đảng, đoàn thể.
Việc luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành thận trọng, bảo đảm dân chủ, công khai, có bước đi phù hợp. Số cán bộ luân chuyển của huyện được đánh giá kỹ về phẩm chất chính trị, bản lĩnh, phong cách, trình độ năng lực, hầu hết các đơn vị được luân chuyển cán bộ về đều có chuyển biến tích cực.
Trong dịp 3-2-2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức gặp mặt cán bộ trẻ luân chuyển, các ý kiến phát biểu của cán bộ đều nhất trí đánh giá việc luân chuyển về cơ sở là môi trường tốt nhất cho sự rèn luyện, thử thách, tự khẳng định mình; qua thời gian giữ cương vị lãnh đạo ở địa phương đã có bước trưởng thành, được tiếp cận với môi trường công tác mới, có quan điểm, cách nhìn và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn.
Đối với các xã, thị trấn có cán bộ luân chuyển, những khó khăn bước đầu được tháo gỡ, nề nếp kỷ cương được duy trì; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được thể hiện trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thông qua vai trò của cán bộ luân chuyển và hiệu quả thực tế ở địa phương đã xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, từng địa phương.
Từ kinh nghiệm của Nho Quan cho thấy, việc điều động, luân chuyển cán bộ đã góp phần tích cực thúc đẩy hiệu quả công việc cũng như sự phát triển chung của từng ngành, đơn vị, địa phương. Mặt khác, qua đó thực hiện chính xác, khách quan hơn trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ hoặc đặt cán bộ vào những vị trí chưa đúng sở trường, năng lực và quan trọng hơn là tạo ra được động lực tu dưỡng, phấn đấu ở từng cương vị công tác, từng vị trí công việc được giao…
Nguyễn Thơm