Đảng đoàn MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tham mưu cho cấp ủy sớm có chủ trương sát, đúng, xác định rõ mục đích, yêu cầu cần đạt được của Đại hội trên các mặt: Nội dung, nhân sự, gắn sinh hoạt chính trị với tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân. Từ kết quả và những thành công trong việc tổ chức chỉ đạo Đại hội đại biểu điểm MTTQ cấp cơ sở của tỉnh Ninh Bình có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu: Chuẩn bị tốt là yếu tố quan trọng quyết định thành công trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 18-CT/T.Ư và dự thảo kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Thông tri số 08-TT/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội MTTQ các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-MT về tổ chức Đại hội, hướng dẫn về nội dung, quy trình tổ chức Đại hội, phương pháp khảo sát, đánh giá cán bộ và chuẩn bị nhân sự. Đồng thời đã tổ chức hội nghị cốt cán mặt trận toàn tỉnh gồm Chủ tịch MTTQ cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã về quán triệt và hướng dẫn triển khai Đại hội MTTQ các cấp. Việc tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp cơ sở được chuẩn bị khoa học và rất bài bản, đảm bảo được tiến độ và chất lượng đề ra.
Gắn tổ chức Đại hội với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ của MTTQ. Sức sống của Đại hội từ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác mặt trận không chỉ được thể hiện trên nghị trường mà phải được thể hiện từ thực tế đời sống của nhân dân. Quan điểm chỉ đạo Đại hội của MTTQ các cấp là chuẩn bị tốt thì tổ chức Đại hội dứt điểm, quyết tâm Đại hội điểm xong trước 16-9-2008, Đại hội cơ sở xong trong tháng 10-2008. Đại hội MTTQ các huyện, thành phố, thị xã diễn ra trong tháng 1-2009 được cấp ủy, chính quyền đồng tình và hậu thuẫn chủ trương nói trên.
Tạo được sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, giữa nội dung Đại hội và chương trình hành động chào mừng Đại hội. Muốn cơ sở tổ chức tốt Đại hội thì cấp huyện phải có dự thảo báo cáo, muốn cấp ủy có sự đánh giá khách quan và bố trí đúng cán bộ thì trước hết MTTQ phải khảo sát, đánh giá phân loại trước, từ chương trình hành động 6 điểm do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động, cấp huyện và cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền để định rõ mục tiêu, những việc cần làm sát với thực tế địa phương, trong đó phải có công trình chào mừng Đại hội, phát động tuần cao điểm toàn dân ra quân hành động thực hiện các nhiệm vụ lao động, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, phòng, chống dịch bệnh, làm nhà đại đoàn kết... Công tác tuyên truyền được chú trọng đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về vị trí, vai trò của Mặt trận, tạo không khí đoàn kết, cởi mở và phong trào thi đua yêu nước trong các cộng đồng dân cư.
Có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền. Trong tổ chức Đại hội MTTQ nói riêng và hoạt động của MTTQ nói chung, MTTQ các cấp đã tham mưu cho Tỉnh ủy và Ban Thường vụ 8 huyện, thành, thị ủy có thông tri về lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội. Thường trực cấp ủy giao nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên thường vụ hoặc huyện ủy viên phụ trách theo dõi cơ sở nào thì trực tiếp dự và chỉ đạo Đại hội ở đơn vị đó. Đảng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ thống nhất nội dung hướng dẫn về chuẩn bị nhân sự theo tinh thần Chỉ thị 18-CT/T.Ư và Hướng dẫn số 14 của Ban Tổ chức Trung ương. Chính quyền các cấp không chỉ quan tâm đến yếu tố vật chất phục vụ Đại hội mà có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp ý MTTQ tham gia xây dựng chính quyền.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức Đại hội, nhất là về nhân sự và chính sách cán bộ. Đại hội điểm MTTQ ở 8 xã, phường đã bầu 306 vị vào Ủy ban, tăng 42% so với khóa cũ. Số ủy viên là người ngoài Đảng 95 vị, đạt 31,3%; tỷ lệ nữ đạt 22%; ở những xã có đông đồng bào Công giáo, số ủy viên là những cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo tăng. Bầu ủy viên thường trực là 39 vị, tăng 15 vị so với khóa cũ. Ban thường trực gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 2 ủy viên thường trực (riêng phường Thanh Bình có 1 phó chủ tịch), trong số 8 chủ tịch có 1 người là Thường vụ Đảng ủy và 7 người là Đảng ủy viên.
Sau Đại hội điểm, các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động sơ kết rút kinh nghiệm triển khai ra diện rộng. Điển hình là huyện Yên Mô đã tiến hành Đại hội ở 12 cơ sở. Tuy vậy, vẫn bộc lộ một số hạn chế trong tổ chức, tiến hành Đại hội, báo cáo còn dài chưa cân đối giữa phần đánh giá và phương hướng, chưa tạo được không khí thảo luận thật sự dân chủ, thẳng thắn, chỉ rõ những mặt yếu, khuyết điểm, hạn chế trong công tác mặt trận, ý kiến thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chưa nhiều. Việc bố trí 2 phó chủ tịch ở cơ sở đã được thực hiện nhưng 1 phó chủ tịch lại kiêm chủ tịch Hội người cao tuổi nên hoạt động của Ban thường trực MTTQ cơ sở còn khó khăn. Qua những hạn chế từ Đại hội điểm tin rằng sẽ được bổ sung kịp thời trong tổ chức Đại hội cơ sở còn lại và Đại hội MTTQ các cấp thực sự là Đại hội của đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và hiệu quả.
Đinh Xuân Thanh
(Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình)