Kim Sơn là huyện nằm ở phía Tây nam của tỉnh, có vùng kinh tế mới gồm 3 xã ven biển (Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải) và 2 đơn vị quân đội với tổng diện tích gần 2000 ha, có gần 2000 hộ dân và 8774 nhân khẩu sinh sống. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của Tỉnh và Huyện với việc chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, trồng và chế biến cói. Khu vực ngoài đê BMII, có diện tích 4.550 ha có trên 1000 hộ dân đang hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy hải sản.
Năm nào cũng vậy, Huyện đã có những phương án cụ thể, chi tiết cho vùng này (Phương án bảo vệ tuyến đê biển BMII, BMIII; Phương án di dân; Phương án khắc phục hậu quả sau bão, lũ…), nhằm: Đảm bảo an toàn về đê điều và các công trình thủy lợi trên địa bàn; Đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Phương châm chung là chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với tuyến đê BMIII, dài 15 km mới được hàn khẩu, cao trình còn thấp chưa có khả năng chống bão, lũ và thủy triều dâng. Tuyến đê BMII, dài 22,8 km đã được nâng cấp đổ bê tông mặt, đảm bảo yêu cầu chống bão, lũ cấp 12, Phía bờ ngoài còn được xây tường chắn sóng, mái đê lát đá; Trên tuyến có 13 cống với hầu hết các cống đều đã được tu sửa, nâng cấp, xây mới. Trong trường hợp bão trên cấp 12, triều cường sóng đánh tràn qua mặt đê thì đồng chí Trưởng Ban và các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB&TKCN 4,5 trực tiếp xử lý sự cố xẩy ra trên đê BMII (Trước, trong và sau khi có bão); Cán bộ thủy lợi, thủy nông chịu trách nhiệm về kỹ thuật xử lý sự cố; Thủ cống và công nhân vận hành tuân thủ theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy.
Trong mùa mưa bão mỗi xã tổ chức 2 tổ tuần tra canh gác đê (Mỗi tổ 3-5 người) nhằm phát hiện sự cố về đê báo cáo về ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Vật tư đã có trong kho của các xã, thị trấn gồm: Bao tải 6500 cái, cọc tre 6400 cái, tre cây 10.800; Trong kho của đội quản lý đê nhân dân có: 500 bao tải, 100 rọ thép, 100 kg dây thép, 100 chiếc mai cuốc xẻng.
Về hậu cần, các xã, thị trấn bố trí tối thiểu có 100 kg gạo, 50 kg mì ăn liền cùng củi đun tại vị trí trọng điểm; Đảm bảo hậu cần cho lực lượng chi viện ít nhất đủ trong 7 ngày; UBND các xã, thị trấn đảm bảo chỗ ăn, nghỉ, điểm cấp cứu, một số dụng cụ vật tư cho lực lượng xử lý trọng điểm; Trong thông tin liên lạc dùng máy điện thoại di động, máy bàn tại điểm trực PCLB; UBND các xã, thị trấn vùng trọng điểm bố trí kẻng, trống và 2 nhân viên giao thông hỏa tốc trực 24/24h, chuẩn bị 23 xe và 18 thuyền vận tải trực phục vụ cũng như có kế hoạch huy động xe ô tô của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn khi cần đến.
Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Khi có bão thì một trong những công việc quan trọng, được quan tâm hàng đầu ở vùng bãi ngang, các xã ven biển là di dời con người, tài sản đến nơi an toàn. Để làm tốt công việc này thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước; người dân phải nắm được sự nguy hiểm của bão, gió và những thiệt hại khôn lường do chúng gây ra; Nắm được diễn biến của bão lũ: hướng đi, cấp gió và khả năng ảnh hưởng, cũng như cách phòng chống, tín hiệu báo động, kỹ thuật sơ cấp cứu người bị nạn…Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm rõ số lượng dân, nhà cửa, chất lượng nhà cửa, số lượng các tàu thuyền và tình hình hoạt động, vị trí neo đậu tàu thuyền khi có bão; Chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế, phương tiện cứu hộ cứu nạn, phương tiện thông tin liên lạc và lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn trước, trong và sau bão.
Khi có áp thấp nhiệt đới, Đồn biên phòng Kim Sơn bằng mọi biện pháp ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi và gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn. UBND các xã, thị trấn phối hợp với đội KTCTTL triển khai phương án chống úng, đôn đốc các hộ gia đình thu hoạch và bảo vệ ao đầm nuôi trồng thủy sản. Chi nhánh điện đảm bảo đủ điện cho công tác chống úng.
Khi có bão cấp 8, cấp 9 trở lên thì ngoài các công việc như trên, còn phải tiến hành chằng chống nhà cửa, di dời tài sản và người dân vùng ngoài đê BMII vào nơi an toàn trước khi bão về. Thực tiễn cho thấy: Đây là vùng kinh tế trọng điểm của Huyện nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao nên người dân thường có tâm trạng tiếc của, chủ quan, coi thường…Do vậy việc di dời dân phải được thực hiện với tinh thần khẩn trương, kịp thời và cương quyết.
Đinh Chúc