Kim Sơn là huyện thuần nông với diện tích cây trồng hàng năm vào khoảng 19 nghìn ha, trong đó chủ đạo là lúa với hơn 16 nghìn ha. Để chăm bón cho diện tích này, nông dân phải sử dụng khoảng 18.500 tấn phân vô cơ các loại. Tuy nhiên việc lạm dụng phân bón vô cơ, bỏ qua sử dụng phân hữu cơ đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến đất đai, suy giảm chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường.
Để chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp, huyện Kim Sơn đã xây dựng chính sách và bố trí kinh phí để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Theo đó, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ , 50% kinh phí mua thuốc BVTV sinh học cho bà con nông dân. Kết quả, ngay trong vụ Mùa 2022, đã có 8 HTX với 862 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình trên diện tích gần 213 ha. Tổng lượng phân bón hữu cơ đã sử dụng là trên 185 tấn, chủ yếu là phân bón hữu cơ Quế Lâm.
Nhìn chung, các cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của các HTX đều sinh trưởng, phát triển tốt. Cây cứng, ít sâu bệnh, lá có màu xanh sáng, hạt chắc mẩy và cho năng suất vượt trội so với lúa sản xuất đại trà. Hơn thế, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm giúp các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu... Qua đó, giúp cải thiện môi trường đất, hệ sinh vật trên đồng ruộng phát triển mạnh, tạo ra tầng đất tơi xốp.
Sau khi trực tiếp thăm quan mô hình 25 ha sản xuất lúa nếp cau sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm của HTX Thượng Kiệm cũng như nghe các tham luận, đánh giá của đại diện các HTX tham gia mô hình, các đại biểu đều có chung nhận định sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững, phù hợp với xu thế và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua nông sản, hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Tin, ảnh: Nguyễn Lựu