Trên cánh đồng xã Định Hóa, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên (xóm 7) đang tích cực phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa Nếp của gia đình. Dừng tay nghỉ ngơi, chị Liên cho biết: Tôi đang phun thuốc chống bệnh bạc lá. Thửa lúa bên cạnh đã bị nhiễm, vì vậy tôi phải phun ngay thuốc phòng trừ cho ruộng lúa của gia đình, hạn chế lây lan bệnh. Còn tại xã Ân Hòa, ông Phạm Văn Quý (xóm 3) lại đang phun thuốc phòng trừ rầy, sâu cuốn lá và đục thân cho lúa mùa.
Ông Quý cho biết: Năm nay, sâu bệnh phát triển nhiều hơn năm ngoái. Mật độ các loại sâu bệnh cũng cao hơn. Trong hai ngày qua, tôi đã phải tốn khá nhiều tiền thuê nhân công để phun thuốc phòng trừ cho 1,3 mẫu ruộng của gia đình.
Theo đồng chí Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn: Qua kết quả điều tra trên đồng ruộng cho thấy, tình hình sâu bệnh năm nay khá phức tạp, một số đối tượng dịch hại đã phát sinh và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng trên các trà lúa như sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân 2 chấm.
Bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 có mật độ trung bình là 15 con/m2, nơi cao từ 20 - 30 com/m2, cá biệt có nơi trên 50 con/m2. Trứng sâu có mật độ phổ biến khoảng 350 quả/m2, cá biệt trên 1.000 quả/m2 tại Hùng Tiến, Văn Hải, Bắc Thành... Quy mô, mức độ thiệt hại cao hơn nhiều so với cùng lứa vụ mùa 2015.
Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Loại thứ hai là sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 4 đã gây hại rải rác trên các trà lúa. Bướm sâu đục thân 2 chấm lứa 5 ra rộ từ ngày 15-9 đến 3-10, sâu non nở rộ từ ngày 22-9 đến 10-10 và gây hại trên các trà lúa trỗ sau ngày 25-9 ở tất cả các HTX trong huyện, đặc biệt trên trà mùa muộn. Loại sâu này sẽ gây héo đòng, bạc bông với tỷ lệ hại trung bình 1%, cá biệt có nơi trên 20%.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ trên giống nhiễm như TBR 225, Nếp.... Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại trên hầu hết các diện tích lúa, nguyên nhân là do điều kiện thời tiết thất thường, thêm vào đó, hiện chưa có giống lúa kháng các loại bệnh này.
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã có thông báo đến các HTX, vận động bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Theo kế hoạch, bà con nông dân đã tổ chức 3 đợt phun kép để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Song song với đó, các đợt phun nhỏ để đặc trị như 2 đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, đợt 1 từ 12 đến 14-9, đợt 2 từ 17 đến 19-9; phun trừ sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 4 từ 25-9 đến 5-10.
Trước đây, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn đều cung ứng dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng tốt nhu cầu của người nông dân.
Hiện nay, sự xuất hiện ngày một nhiều các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tư nhân khiến thị trường trở nên đa dạng và phong phú, bà con nông dân cũng dễ dàng hơn trong việc mua thuốc bảo vệ thực vật.
Song, bà con nông dân cũng cần chú ý việc lựa chọn các loại thuốc phù hợp, mua thuốc tại các cửa hàng phân phối uy tín với liều lượng đúng như các HTX thông báo để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Thái Học