Kim Sơn, tập trung nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững
Thứ Tư, 24/03/2021, 09:39
Zalo
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Kim Sơn đặt mục tiêu sẽ giảm 2/3 số hộ nghèo so với giai đoạn. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung tổng kết, đánh giá những hạn chế nhằm rút ra bài học lớn vận dụng cho giai đoạn mới với những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Kim Sơn, tập trung nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững
Xã Kim Hải là một trong 5 xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Kim Hải là 18,01%, cao nhất trong 5 xã bãi ngang. Nhưng đến cuối năm 2020, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,94%, Kim Hải đã thoát khỏi vị trí là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên bảng xếp hạng của các xã bãi ngang về chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo. Mục tiêu trước mắt, xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021 này.
Ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Hải chia sẻ: Trước đây, để mưu sinh, bà con trong xã làm nghề trồng cói. Tuy nhiên, năng suất cói phụ thuộc vào thời tiết, chưa kể những sản phẩm làm ra từ cói có giá thành thấp, không có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bước ngoặt đến với bà con xã Kim Hải, đó là từ năm 2005, một vài hộ trong xã năng động bỏ trồng cói và chuyển sang nuôi trồng thủy sản, từng bước cho thấy hiệu quả cao hơn trồng cói.
Xác định nuôi trồng thủy sản chính là thế mạnh của địa phương, những năm qua, xã Kim Hải chủ động tổ chức hội nghị thăm đồng, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản, tổ chức triển khai công tác cải tạo và xử lý ao đầm, vệ sinh, nạo vét kênh mương, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển kinh tế... Số hộ nuôi tôm tăng nhanh qua mỗi năm, đến nay, toàn xã có 669 hộ thì có đến 485 hộ nuôi tôm.
Đặc biệt, một cơ hội đến với người nghèo ở Kim Hải khi bắt đầu từ năm 2018, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Kim Hải được hỗ trợ triển khai Dự án "hỗ trợ sản xuất, đang dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của xã bãi ngang", với 3 dự án dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đó là: Dự án nuôi tôm thẻ bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học; nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học và Hỗ trợ mô hình nuôi cua biển bán thâm canh, với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng.
Tham gia thực hiện dự án này, các hộ dân được hỗ trợ tập huấn và chuyển giao KHKT; hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, tôn tạo hệ thống ao nuôi; con giống, thức ăn phát sinh. Ngoài ra, tham gia Dự án, người nuôi sẽ được các cán bộ của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản sát cánh tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật. Trong 3 năm (2018, 2019 và 2020), toàn xã có 160 hộ, trong đó có 26 hộ nghèo tham gia vào Dự án. Kết quả, đã có 23 hộ đã thoát nghèo từ dự án hiệu quả này.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở Kim Sơn.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Kim Sơn cho biết: Toàn huyện có hơn 55.816 hộ với 25 xã, thị trấn. Trong đó, có 5 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 11,71% (5.941 hộ) năm 2015, đến năm 2020 còn 2,80% (1.562 hộ).
Để đạt được kết quả phấn khởi trên, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ từ phía Đảng và Nhà nước, các địa phương đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả như: Mở các lớp tập huấn KHKT; xây dựng các đề án trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên ngân sách chi hỗ trợ về giống cây, con cho hộ nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trợ cước, trợ giá, phân bón; quan tâm xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi…
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Kim Sơn đặt mục tiêu sẽ giảm 2/3 số hộ nghèo so với đầu giai đoạn. Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân mỗi năm từ 1,5 đến 2% đến năm 2025 theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Toàn huyện phấn đấu không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã cụ thể hóa các chỉ tiêu để xây dựng giải pháp phù hợp với từng ngành, từng địa phương. Việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo chương trình giảm nghèo có hiệu quả.
Các địa phương cũng chú trọng tìm mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các xã còn nhiều khó khăn. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án, hoạt động, tạo bước đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ người nghèo tiếp cận nhanh hơn các yếu tố sản xuất...