Gia đình anh Đỗ Văn Hùng tại xã Ân Hòa cấy 4 sào lúa Bắc thơm số 7. Anh Hùng cho biết, một phần diện tích lúa của gia đình đã bị nhiễm rầy nâu nặng. Thời gian vừa qua, anh đã phải phun thuốc phòng trừ 2 lần theo khuyến cáo của HTX, đến nay mật độ rầy nâu đã giảm đáng kể. Hiện anh vẫn tiếp tục theo dõi đồng ruộng một cách sát sao nhất để nắm bắt tình hình nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, sâu bệnh gây hại cho lúa mùa trên địa bàn huyện Kim Sơn năm nay vẫn là những đối tượng truyền thống, song có mật độ cao hơn hẳn so với mọi năm.
Ông Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn cho biết: Theo kết quả điều tra của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, diễn biến của một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Cụ thể là rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen.
Hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 đang gây hại rộng trên các trà lúa, mật độ rầy trên đồng ruộng đạt trung bình 450-500 con/m2. Nơi có mật độ cao từ 700-1.000 con/m2; cá biệt tại Thượng Kiệm, Tân Thành đạt 2.000 con/m2.
Thêm vào đó, trứng rầy lứa 6 đang bắt đầu ra, mật độ trung bình từ 300-400 quả/m2, nơi cao từ 600-800 quả/m2. Thời gian rầy cám lứa 6 nở rộ được dự tính là từ ngày 20/8 đến ngày 28/8 có nguy cơ gây hại nặng, diện rộng ở các HTX trong toàn huyện. Mật độ phổ biến từ 1.500-2.000 con/m2, nơi cao từ 4.000 - 5.000con/m2, những nơi ổ sẽ có hàng vạn con/m2. Nếu không phát hiện, phun trừ kịp thời, những diện tích bị hại nặng sẽ làm đỏ lúa từ sau ngày 30/8 trở đi.
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 vẫn phát triển khá mạnh. Trứng sâu cuốn lá trung bình 100-150 quả/m2, nơi cao 200-300 quả/m2. Mật độ sâu non trung bình khoảng 125 con/m2, tại một số HTX có mật độ cao như Bắc Thành, Định Hóa, Tân Khẩn đạt từ 400-500 con/m2.
Trong thời gian tới, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 6 tiếp tục nở rộ, gây hại rộng trên trà lúa ở các HTX trong huyện. Mật độ sâu phổ biến từ 200-250 con/m2, cá biệt 800-1.000 con/m2. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng lá ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Bên cạnh đó, bệnh lùn sọc đen gây hại cục bộ, toàn huyện diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen là 25ha của các HTX Tân Thành, Thượng Kiệm, Định Hóa, Tân Khẩn... Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng, cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. ở giai đoạn tiếp theo, bệnh lùn sọc đen tiếp tục tăng trên các trà lúa, nếu không phát hiện xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Ngoài ra, chuột tiếp tục hại tăng trên các trà lúa, bệnh bạc lá có khả năng hại tăng trên các trà lúa sau các đợt mưa giông, bệnh khô vằn gây hại cục bộ trên các trà lúa.
Như vậy, có thể thấy rằng, quy mô và mức độ ảnh hưởng của các đối tượng gây hại trên lúa mùa năm nay tại Kim Sơn cao hơn hẳn những năm trước. Theo tính toán sơ bộ, riêng đối với rầy nâu, rầy lưng trắng có mật độ trung bình cao gấp 7 lần so với vụ mùa 2016.
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã có thông báo tới các HTX nông nghiệp cùng các đơn vị có liên quan phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Cùng với đó thực hiện các giải pháp kỹ thuật như đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật để tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, nhằm tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại và điều kiện thời tiết bất lợi. Đối với nhóm rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 6-7 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh cũng như thực hiện thông báo từ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nông dân huyện Kim Sơn đã đồng loạt xuống đồng, tiến hành các biện pháp ngăn ngừa và tiêu diệt sâu bệnh hại lúa.
Thái Học