PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong sản xuất lúa của huyện Kim Sơn những năm qua, đặc biệt là trong năm 2014?
Ông Trần Văn Công: Diện tích sản xuất lúa những năm qua của huyện Kim Sơn luôn được duy trì trên 16.700ha/năm với năng suất bình quân trên 62 tạ/ha, sản lượng trên 104.000 tấn/năm. Trong năm 2014, Kim Sơn là đơn vị đứng đầu tỉnh về năng suất lúa, đạt 62,46 tạ/ha, sản lượng 104.335 tấn. Đặc biệt, cơ cấu giống, mùa vụ đã có những chuyển biến tích cực: 100% diện tích lúa đông xuân gieo cấy ở trà xuân muộn, vụ mùa trà mùa sớm tăng lên. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lúa chất lượng cao theo Đề án số 11 của UBND tỉnh, diện tích lúa chất lượng cao của địa phương đã không ngừng tăng lên qua các năm, góp phần tăng tỷ lệ lúa hàng hóa cũng như nâng cao thu nhập của người nông dân. Năm 2014, diện tích này là 12.301ha (chiếm 73,6% tổng diện tích gieo cấy). Ngoài ra, UBND huyện cũng đã ban hành Đề án số 01/ĐA-UBND hỗ trợ 7 xã (Xuân Thiện, Ân Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng, Thượng Kiệm, Lai Thành, Văn Hải) thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa với diện tích hàng năm là 480ha, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn. Trong năm 2014 huyện đã có 5 xã thực hiện việc dồn điền đổi thửa là Yên Lộc, Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Lai Thành và Văn Hải; số thửa trước đây trung bình là 2,64 thửa/hộ, nay chỉ còn 1,4 thửa/hộ đã tạo nhiều thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả sản xuất cao hơn trước. Hiện nay, toàn bộ khâu làm đất đã được cơ giới hóa, tổng số lượng máy làm đất năm 2014 khoảng 824 cái (loại lớn 45, lại trung 126 và loại nhỏ 653 cái). Riêng vụ Mùa năm 2014 khoảng 80% diện tích đã được gặt bằng máy, tổng số máy gặt hoạt động trên địa bàn huyện khoảng 264 máy, trong đó máy của địa phương là 63 máy.
PV: Vụ đông xuân 2014-2015 Kim Sơn đề ra mục tiêu như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Công: Vụ đông xuân 2014-2015, Kim Sơn duy trì mục tiêu đẩy mạnh tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 8.350ha lúa với năng suất bình quân 67,5 tạ/ha, tổng sản lượng 56.370 tấn. Trong đó, diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao chiếm 65%, năng suất 64 tạ/ha; diện tích lúa lai, cao sản là 35%, năng suất 74 tạ/ha.
Về thời vụ, tùy theo điều kiện thời tiết cụ thể để cấy lúa, nếu thời tiết, nước đổ ải thuận lợi, phấn đấu cấy xong 100% diện tích trước Tết Nguyên đán (Trước ngày 30 Tết - 18-2-2015). Nếu thời tiết chưa thuận lợi, phấn đấu cấy trên 70% diện tích trước Tết Nguyên đán đối với diện tích chân đất vàn, vàn cao chủ động được nước; diện tích còn lại cấy xong trước ngày 25-2-2015.
PV: Việc cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như công tác làm đất, điều tiết nước đã được triển khai đến đâu, thưa ông?
Ông Trần Văn Công: Vụ đông xuân năm nay được dự báo là năm ấm, hạn và mặn xâm nhập sâu, do đó huyện đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, phương án chống hạn; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh KTCTTL huyện huy động các nguồn lực thực hiện đổ ải; chuẩn bị máy bơm, các phương tiện chống hạn, đổ ải cho sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã nạo vét được 473.098m3, số lượng cống bi lắp đặt là 7.356 chiếc. Hiện nay các xã cũng đã cơ bản cày ải xong toàn bộ diện tích; các hộ xã viên đã cơ bản chuẩn bị xong giống để gieo cấy vụ đông xuân 2014-2015.
Hiện nay huyện đang tiếp tục hướng dẫn các HTX đôn đốc, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, thu dọn rơm, rạ, tàn dư thực vật, thực hiện tiêu hủy để hạn chế lây lan nguồn sâu, bệnh. Đối với chân ruộng trũng, tiến hành khơi thông thoát nước để ruộng nhanh khô, đảm bảo cày ải đúng kế hoạch. Đồng thời yêu cầu các HTX chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng để cung ứng giống lúa cho xã viên theo kế hoạch phân bổ của huyện đảm bảo chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)