Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị huyện Kim Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý gần 6.300 tấn rác, tức là trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện có trên 30 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường.
Hơn nữa, huyện Kim Sơn đang trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng cơ sở vật chất để tiến tới thành lập thị xã thuộc tỉnh, do vậy công tác vệ sinh môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Từ cuối năm 2016, huyện Kim Sơn đã xây dựng và thực hiện Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các xã, thị trấn của huyện Kim Sơn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Huyện Kim Sơn cũng phấn đấu từ năm 2019 - 2002, tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các xã, thị trấn đạt 90%, từ năm 2021 - 2025 đạt trên 90% - 100%. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, huyện Kim Sơn đã đạt được những kết quả trong công tác thu gom rác thải sinh hoạt.
Tại thời điểm khảo sát xây dựng đề án, mới chỉ có 15/27 xã, thị trấn tổ chức thực hiện được công tác thu gom tập trung, vận chuyển rác thải đi xử lý thì đến nay đã có thêm 7 xã, thị trấn trong huyện triển khai thực hiện.
Ông Đinh Công Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm vệ sinh môi trường đô thị huyện Kim Sơn cho biết: Trung tâm hiện có 2 xe chuyên dụng thu gom rác thải tại điểm tập kết của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để đưa đi xử lý tại thành phố Tam Điệp.
Các xã đã thành lập đội thu gom rác thải, với tần suất 2-3 ngày/lần, riêng tại thị trấn Phát Diệm và thị trấn Bình Minh là 1 ngày/lần. Rác thải tại các hộ dân được đội thu gom bằng xe đẩy, mang về điểm tập kết của xã, sau đó được xe của Trung tâm tiến hành thu gom đem đi xử lý. Hiện, có 5 xã chưa tham gia là Yên Mật, Định Hóa, Kim Tân, Kim Hải và Kim Trung. Tại các địa phương này, nhân dân sử dụng biện pháp chôn lấp hoặc hố rác 2 ngăn để xử lý rác thải sinh hoạt.
Mô hình hố rác 2 ngăn còn được một số xã áp dụng đối với các thôn, xóm xa trung tâm, địa bàn mà các đội thu gom rác khó tiếp cận. Xã Thượng Kiệm có gần 1.900 hộ với 7.300 nhân khẩu. Do trục đường xã dài 12km, nên hiện nay mới có 6/11 xóm tổ chức được công tác thu gom rác thải. Tại 5 xóm còn lại, xã Thượng Kiệm đã hỗ trợ để các hộ dân tự xây dựng hố rác 2 ngăn, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết: Trong 5 xóm chưa tổ chức thu gom rác thải, gồm có xóm 1 và xóm 2 cách trung tâm xã 7km; xóm 7, xóm 8 và xóm 9 cách trung tâm hơn 6km. Do vậy, xã đã tiến hành hỗ trợ 50% kinh phí để các hộ dân xây dựng hố rác 2 ngăn, xử lý rác ngay tại hộ gia đình. Đến nay, đã có hơn 800 hố rác được xây dựng.
Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, phát động ngày 27 hàng tháng là ngày tổng vệ sinh khu dân cư. Qua đó nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, để rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng.
Ông Hoàn cũng cho biết thêm, xã Thượng Kiệm phấn đấu hết năm 2019 sẽ tổ chức thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn toàn xã. Để đạt được mục tiêu này, xã đã khảo sát, lập quy hoạch để xây dựng 2 khu tập kết rác thải ở phía Bắc và phía Nam của xã, đồng thời hoàn thiện hơn nữa hệ thống đường giao thông để công tác thu gom rác thải được thuận lợi.
Bên cạnh việc hoàn thiện hơn nữa mạng lưới thu gom rác thải, huyện Kim Sơn cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh môi trường.
Trong đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn đoàn viên, hội viên phân loại và xử lý, thu gom rác thải ngay tại gia đình. Nhiều phong trào như phong trào phụ nữ chung tay phòng chống rác thải nhựa, phong trào "Năm không ba sạch"; phong trào "Đổi sách cũ lấy cây", con đường thanh niên tự quản… đã đem lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng.
Hy vọng rằng với những nỗ lực trên, việc thu gom, xử lý rác thải ở huyện Kim Sơn ngày càng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng điều quan trọng nhất, quyết định sự thành công vẫn là ý thức, tính chủ động tham gia của chính người dân.
Bài, ảnh: Thái Học