Xã Kim Chính hiện có 3 làng nghề chế biến cói truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đó là làng nghề Kiến Thái, Thủ Trung, Trì Chính. Phát triển làng nghề truyền thống đã và đang là hướng đi đúng đắn, thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Những năm qua, làng nghề truyền thống của xã đã tạo việc làm thường xuyên trên 1.500 lao động với mức thu nhập ổn định mỗi người bình quân khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày. Tổng thu nhập từ nghề thủ công truyền thống năm 2019 ước đạt trên 47 tỷ đồng.
Những người làm nghề lâu năm ở đây cho biết: Thời điểm năm 2018-2019, hàng thủ công mỹ nghệ đặc biệt được ưa chuộng, rất nhiều những đơn hàng mới được thiết lập. Tuy được xem là nghề phụ, nhưng làm hàng thủ công mỹ nghệ đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người lao động, chuyển thành nghề chính của nhiều hộ gia đình.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tham gia làm nghề, những chuyến xe chở hàng thủ công mỹ nghệ ra cảng biển, sân bay để "xuất ngoại" nối đuôi nhau lăn bánh cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng bước sang năm 2020 , ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra đã khiến những con đường thông thương như bị "đóng băng", hàng hóa dồn ứ ở những cửa khẩu hải quan, dẫn đến nghề thủ công mỹ nghệ lâm vào cảnh đình trệ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng là một hộ làm hàng thủ công mỹ nghệ có tiếng của xã Kim Chính. Ngoài 3 lao động chính của gia đình, còn có thêm 4 lao động khác được bà Hồng thuê về để làm hàng thủ công. Trước đây, làm nghề thủ công mỹ nghệ cho gia đình bà thu nhập bình quân hơn 500 nghìn đồng mỗi ngày, nhưng hiện nay công việc chính của bà là chăm sóc đàn gà và mảnh vườn sau nhà.
Bà Hồng chia sẻ: "Hơn chục năm làm nghề thủ công mỹ nghệ, tôi chưa gặp thời kỳ nào khó khăn như hiện giờ. Chỉ mới năm ngoái, việc kiếm được dăm trăm nghìn đến một triệu mỗi ngày từ làm hàng thủ công mỹ nghệ là điều đơn giản. Thì nay thậm chí không còn một đơn hàng nào nữa".
Ngậm ngùi tâm sự, bà Hồng chỉ cho chúng tôi xem những chiếc máy khâu, máy cắt nằm im lìm nơi góc nhà. "Không có hàng làm máy móc cũng đem bỏ xó, chán lắm các chú ạ" - bà Hồng tiếp lời.
Tại Ninh Bình, không chỉ riêng người dân huyện Kim Sơn làm nghề thủ công mỹ nghệ. Nhưng so với các nơi khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân Kim Sơn luôn có sự sáng tạo, đổi mới mà vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm. Nhờ đó mà nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương được xuất sang các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Á, nhất là Nhật Bản, Mỹ...
Thế nhưng, theo ông Lâm Đức Thắng, chủ cơ sở sản xuất và chế biến cói Đức Thắng: Thời điểm này, nghề thủ công mỹ nghệ đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng do sản phẩm làm ra không tiêu thụ, xuất khẩu được.
Các đơn hàng mới cũng không có. Vì thế các doanh nghiệp và các hộ dân đã tạm dừng sản xuất mẫu mã mới. Đối với những sản phẩm đã hoàn thiện, doanh nghiệp phải tìm phương pháp sơ chế, bảo quản để sản phẩm không bị ẩm mốc, đợi dịch bệnh đi qua mới có thể xuất hàng.
Theo thống kê, huyện Kim Sơn hiện có hơn 30 công ty, doanh nghiệp chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 24 làng nghề cói và hàng vạn lao động đang tham gia làm nghề. Trước đây, nghề thủ công mỹ nghệ đã từng có giai đoạn khó khăn về thị trường đầu ra.
Nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời linh động, sáng tạo trong sử dụng kết hợp các nguyên liệu như bèo, mây, tre, gỗ… để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nên khoảng 2 năm trở lại đây, nghề thủ công mỹ nghệ đã có nhiều khởi sắc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Trao đổi với lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Kim Sơn được biết: Cuối năm 2019, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong huyện ký kết được nhiều hợp đồng lớn. Đến cuối tháng 3/2020, các đơn hàng của quý I đã cơ bản hoàn thành nhưng các cơ sở vẫn đang phải "ôm" hàng trong xưởng. Còn những đơn hàng thực hiện trong quý II phải dừng sản xuất do vấn đề xuất khẩu gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của người dân làm nghề.
Những khó khăn mà ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở huyện Kim Sơn đang gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều ngành nghề khác đang phải đối mặt. Những người làm nghề đều bày tỏ mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, hàng hóa được lưu thông, để các doanh nghiệp trở lại sản xuất, làm giúp các hộ dân làm nghề có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống.
Thái Học - Anh Tuấn