Vụ mùa năm 2013, huyện Kim Sơn gieo cấy 8.359,3 ha lúa, trong đó: Công ty nông nghiệp Bình Minh gieo cấy 453 ha, các HTX nông nghiệp gieo cấy 7.906,3 ha với cơ cấu trà lúa mùa trung chiếm 95,7%, mùa muộn chiếm 4,28%; cơ cấu giống lúa: lúa lai (Nhị ưu, Phú ưu, Thục hưng...) có 1.501,6 ha, chiếm 17,9%; lúa thuần (Khang dân 18, Bắc thơm số 7, nếp, lúa thuần...) 6.857,7 ha, chiếm 82,04%; các giống lúa chất lượng cao chiếm tới 61,6% tổng diện tích gieo cấy. Để đạt được kết quả này, ngay từ cuối tháng 5 -2013, UBND huyện đã có kế hoạch số 28/KH-UBND về sản xuất vụ mùa 2013 và đề ra mục tiêu phấn đấu gieo cấy xong lúa mùa trước ngày 15-7, tập trung gieo mạ từ ngày 20 đến 25-6. Do thời tiết, khí hậu trong vụ đông xuân thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cuối vụ lại gặp nhiệt độ cao nên lúa chín nhanh, huyện Kim Sơn đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nhất là khâu thu hoạch lúa xuân và điều tiết nước, làm đất cho vụ mùa... Toàn huyện cấy xong lúa mùa trước ngày 10-7.
Đến trung tuần tháng 10, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa với năng suất ước đạt bình quân chung 56,28 tạ/ha, trong đó các giống lúa lai năng suất ước đạt 67,3 tạ/ha, giống lúa thuần năng suất ước đạt 53,9 tạ/ha. Nếu tính theo trà lúa thì trà mùa trung có 8.001 ha, năng suất ước đạt 56,28 tạ/ha, trà mùa muộn có 358 ha, năng suất ước đạt 56,34 tạ/ha. Các xã có diện tích lớn, năng suất cao là: Định Hóa 418,4 ha, năng suất 58,79 tạ/ha; Kim Tân 423,5 ha, năng suất 57,68 tạ/ha; Kim Mỹ 440,2 ha, năng suất 57,26 tạ/ha...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, vụ mùa năm 2013, toàn tỉnh gieo cấy được gần 39.000 ha lúa với cơ cấu: 58,8% diện tích cấy trà mùa sớm, 38% diện tích cấy trà mùa trung và 3,2% diện tích cấy trà mùa muộn. Năng suất ước đạt bình quân chung 51,35 tạ/ha, thấp hơn vụ mùa trước 4,13 tạ/ha mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ và sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá gây hại nặng trên trà mùa sớm, giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, LT2). Tất cả các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều có năng suất giảm và giảm sâu so với vụ trước (khoảng 10%). Riêng Kim Sơn, năng suất lúa mùa 2013 có giảm chút ít, nhưng vẫn là địa phương có năng suất lúa mùa cao nhất tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Đầu vụ mùa, thời tiết khí hậu tương đối thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển; tuy nhiên giai đoạn trỗ bông, phơi màu lại thường xuyên gặp mưa, trời âm u nên việc thụ phấn của hạt lúa không cao, tỷ lệ hạt lép nhiều hơn vụ mùa trước. Sâu bệnh phát sinh phát triển, nhất là bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu..., trong khi đó việc phòng, trừ hại sâu bệnh lại gặp khó khăn do thời tiết, khí hậu bất lợi. ở giai đoạn từ lúc lúa mới cấy đến chắc xanh thường xuyên bị ngập nước, cây lúa mềm, yếu và khi gặp mưa to, gió lớn trong các ngày từ 16 đến 20-9 đã làm cho một số diện tích lúa bị đổ rạp, nhất là ở khu ruộng trũng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng lúa.
Vụ mùa năm 2013, Kim Sơn đưa vào đồng ruộng 30 tấn giống lúa Bắc thơm số 7 (tương đương với hơn 1.000 ha lúa cấy) mang gen khánh bệnh bạc lá của Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Rượu Kim Sơn nổi tiếng trong vùng, nên huyện vẫn gieo cấy hơn 1.100 ha giống lúa nếp 97 để làm nguyên liệu nấu rượu và đây cũng là giống kháng bệnh bạc lá, cho năng suất cao, bán được giá. Trong vụ mùa, công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh được triển khai tích cực, kịp thời... nên đã hạn chế được phần nào sự phá hoại của sâu bệnh đối với lúa mùa. Hơn nữa, Kim Sơn chủ yếu cấy ở trà mùa trung (95,7%) và khi lúa trỗ bông, phơi mùa thì gặp thời tiết thuận lợi. Do đó, năng suất vụ mùa năm 2013 của Kim Sơn đạt khá so với các địa phương trong tỉnh. Cùng với truyền thống trong thâm canh cây lúa nước, đồng ruộng bằng phẳng, phì nhiêu đã tạo cho Kim Sơn có diện tích lúa lớn nhất tỉnh mà năng suất, sản lượng lúa vụ mùa này cũng cao nhất tỉnh.
Đinh Chúc