Cùng dự chương trình biểu diễn báo cáo kết quả lớp tập huấn hát Chèo, hát Văn của Tiểu khu 4,5 huyện Kim Sơn năm 2019 tại Nhà văn hóa thị trấn Bình Minh nhận thấy, không còn như những tiết mục văn nghệ quần chúng thông thường, các học viên như biến thành những "diễn viên" chuyên nghiệp với những điệu múa, câu hát ngọt ngào, điêu luyện, thu hút sự tham gia, cổ vũ đông đảo của đại biểu và khán giả dự xem.
Chị Lê Thị Hằng, học viên lớp hát Chèo, hát Văn, đến từ trường Mầm non xã Kim Hải cho biết: Tôi yêu những môn nghệ thuật truyền thống vì thấy trong đó sự ngọt ngào, mềm mại như những bài hát, lời ru của bà, của mẹ và tôi cũng muốn truyền sự mượt mà, thân thương, dân dã ấy qua những bài hát, điệu múa cho các cháu mầm non nơi tôi dạy học.
Khi tôi về dạy múa, hát và biểu diễn cho các cháu xem, các cháu rất thích, đòi cô dạy cho và học theo rất nhanh, không chỉ múa dẻo, các cháu còn hát với giọng hát trong trẻo, hồn nhiên thật dễ thương... Qua các tiết mục múa, hát đó khơi gợi nét đẹp, tình yêu quê hương, đất nước và nhân lên niềm yêu thích với các môn nghệ thuật truyền thống của cha ông cho các em nhỏ...
Cùng tham gia lớp tập huấn về hát Chèo, hát Văn, chị Phạm Thị Hiền, cán bộ Hội Phụ nữ xã Kim Mỹ cho rằng, việc đưa các môn nghệ thuật truyền thống về các làng quê góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa của cha ông và tạo thêm niềm đam mê ca hát trong cộng đồng dân cư, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân.
"Trong quá trình tập huấn, chúng tôi được các nghệ sỹ của CLB Nghệ thuật truyền thống Trung tâm văn hóa tỉnh hướng dẫn, thực hành các làn điệu chèo, các điệu múa cơ bản, múa quạt, cũng như kỹ năng về nghệ thuật hát Chèo truyền thống, đồng thời được nắm vững hơn về các tiết tấu, âm hưởng làn điệu hát Văn, hát quan họ...
Ngoài những kiến thức và kỹ năng được học, tôi kết hợp với xem thêm các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ hát nhạc truyền thống trên mạng Internet để làm phong phú và nâng cao hơn các tiết mục múa, hát của mình. Tôi cũng mong muốn có thêm các lớp tập huấn, lớp học hát như vậy, với thời gian dài hơn để chúng tôi và nhiều người khác yêu thích văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là các môn nghệ thuật truyền thống được học hỏi, nắm bắt và duy trì niềm yêu thích ca hát, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho mình và cộng đồng..." - chị Hiền cho biết thêm.
Theo đồng chí Hoàng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, nhằm khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị của các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp tổ chức các lớp học, lớp tập huấn về hát Chèo, hát Văn, Ca trù trên địa bàn huyện.
Mỗi lớp học được tổ chức trong thời gian từ hơn 1 tháng đến vài tháng, đối tượng, học viên là những người có năng khiếu ca hát và yêu thích các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Giảng viên lớp học là nghệ sĩ, diễn viên của các CLB nghệ thuật truyền thống trong và ngoài tỉnh.
Qua các lớp học, tập huấn, giúp các học viên thêm yêu thích và trở thành những hạt nhân tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, tiếp tục truyền đạt, gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, huyện Kim Sơn có 4 CLB thơ, Ca trù, hát Chèo, hát Văn cấp huyện. Toàn huyện có 5 Tiểu khu, trong đó 2 Tiểu khu đã thành lập được CLB văn hóa, văn nghệ. Hiện mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 1 CLB hoặc đội, nhóm, tổ văn nghệ. Toàn huyện có trên 70% thôn, xóm, phố có nhà văn hóa để bà con sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Phương, việc tổ chức các lớp tập huấn, lớp học các môn nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ chủ trương triển khai các hoạt động giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của huyện Kim Sơn.
Do đó, để góp phần trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy hiệu quả các môn nghệ thuật truyền thống này, đặc biệt là bộ môn hát Chèo - Di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, huyện Kim Sơn chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng, đặc biệt là củng cố và phát triển nghệ thuật hát Chèo, hát Ca trù, tiếp tục thành lập các CLB hát Chèo, hát Văn tại cơ sở.
Đối với các xã, thị trấn, trên cơ sở đã có nền tảng, hạt nhân từ các lớp học, lớp tập huấn nghệ thuật, tích cực tuyên truyền, động viên, khuyến khích những người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật, yêu thích hát Chèo, hát Văn thành lập các CLB ở đơn vị mình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tạo động lực tinh thần phấn khởi, cổ vũ mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Mỹ Hạnh