Theo kết quả khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Kim Sơn, diện tích lúa gieo thẳng trong vụ đông xuân 2017-2018 trên địa bàn toàn huyện là gần 1.000 ha, tăng 111% so với diện tích của vụ đông xuân 2016-2017. Trong đó những đơn vị có diện tích gieo thẳng lớn là các hợp tác xã (HTX) Như Hòa 45ha; Tân Thành 92ha, Định Hóa 280ha, Cồn Thoi 75ha... Riêng HTX Yên Mật, tỷ lệ gieo thẳng đạt 100% diện tích lúa. Về xã Yên Mật, chúng tôi được người dân nơi đây chia sẻ rất nhiều điều về tính ưu việt của phương thức gieo thẳng lúa đem lại. Năm nay, gia đình ông Phạm Văn Ngân, xóm 5, xã Yên Mật gieo thẳng hơn 1 mẫu lúa. Ông Ngân cho biết: Từ đời ông cha tôi ngày trước đã cấy lúa, đến đời tôi cũng vậy, dường như đã tạo thành nề nếp rất khó thay đổi.
Không chỉ riêng gia đình tôi mà đối với nhiều hộ gia đình khác cũng vậy, nói đến việc làm ruộng mỗi vụ lúa là liên tưởng ngay đến việc gieo mạ nền, mạ dược, chăm bón khi mạ đủ ngày mới đem ra đồng cấy lúa. Và cứ sau mỗi ngày cặm cụi cấy lúa đó, đến tối về nhà là toàn thân lại đau ê ẩm, hết đau lưng rồi lại mỏi chân. Nỗi vất vả ấy cứ canh cánh trong tâm trí ông, đến vụ đông xuân này, khi chính quyền và cán bộ HTX vận động, ông quyết định thử nghiệm phương pháp gieo thẳng lúa.
Ông Ngân phấn khởi: Gieo thẳng lúa giúp giảm đáng kể công sức lao động. Nếu như trước kia, gia đình tôi phải thuê thêm 2-3 người cấy thuê, tất bật cấy trong 4 ngày mới xong thì đến nay, riêng số nhân công là 4 người trong gia đình cũng đảm đương được toàn bộ việc gieo cấy, chỉ trong vòng 1 ngày là xong. Xã Yên Mật có diện tích đất nông nghiệp là hơn 140ha, trong vụ đông xuân năm nay, toàn bộ diện tích đều được người dân sử dụng phương pháp gieo thẳng lúa. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài của chính quyền địa phương cũng như của các cán bộ HTX.
Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Mật cho biết: Trước đây, ở xóm 4, xóm 5 của xã đã có một số hộ gia đình gieo thẳng lúa. Lý do là bởi vị trí địa lý giáp với xã Khánh Nhạc của huyện Yên Khánh, một trong những đơn vị đi đầu về gieo thẳng lúa của toàn tỉnh.
Đa phần các hộ gia đình khác vẫn giữ phương thức cấy lúa truyền thống do còn lưỡng lự về chất lượng cây lúa, năng suất, sản lượng. Nhận thức rõ các ưu điểm vượt trội của phương pháp gieo thẳng lúa, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, lấy điển hình những hộ gia đình thành công nhờ gieo thẳng lúa để làm minh chứng cho người nông dân. Nhờ đó, đến nay 100% diện tích lúa tại xã Yên Mật đều được gieo thẳng, giúp giảm rất nhiều công lao động và chi phí sản xuất.
Không chỉ riêng nông dân xã Yên Mật, nhiều hộ gia đình gieo thẳng lúa tại xã Như Hòa, Định Hóa, Tân Thành cũng đã nhận thức sâu sắc về những ưu điểm của việc gieo thẳng lúa. Ông Vũ Mạnh Quyền, HTX nông nghiệp Như Hòa cho biết: Phương thức gieo thẳng đã khẳng định được tính ưu việt so với gieo cấy truyền thống như giảm chi phí đầu tư về giống, tiết kiệm công gieo mạ và che phủ nilon, giảm công cấy. Khi gieo thẳng, lúa vẫn sinh trưởng đều, phát triển tốt, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh, năng suất đảm bảo.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gieo thẳng lúa chưa được người dân địa phương sử dụng. Trước hết, đó là do điều kiện thổ nhưỡng của huyện Kim Sơn thuận lợi, chất đất tốt, quanh năm lại được phù sa của 2 con sông lớn bồi tụ.
Vì vậy, cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng có điều kiện thuận lợi để sinh trưởng và phát triển với nguồn dinh dưỡng dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Sơn phụ thuộc khá nhiều vào thủy triều, trong khi đó, việc điều tiết nước cho lúa gieo thẳng cần linh hoạt và kịp thời.
Ngoài ra, cũng còn một số nguyên nhân như địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, khí hậu... Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ quan khác chính là tư tưởng, nhận thức về phương thức canh tác lúa của người nông dân vẫn mang hơi hướng truyền thống khá nặng nề.
Để góp phần thay đổi suy nghĩ của bà con nông dân trong việc canh tác lúa, cũng như làm rõ những ưu điểm nổi trội của gieo thẳng so với cấy lúa truyền thống, nhiều lớp tập huấn đã được huyện Kim Sơn tổ chức. Ông Trần Anh Hòa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các xã, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt người tham gia.
Trong các buổi tập huấn, bà con nông dân được các giảng viên giới thiệu về phương thức gieo thẳng lúa, những đặc điểm kỹ thuật, hơn hết là chỉ rõ những ưu điểm so với cấy lúa truyền thống. Bà con nông dân cũng được tham quan, khảo sát những mô hình gieo thẳng lúa đạt hiệu quả cao.
Qua đó đã góp phần khẳng định những ưu điểm của phương thức gieo thẳng lúa, dần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc lựa chọn phương thức canh tác hiệu quả và phù hợp.
Hy vọng rằng, với dấu mốc đạt 1.000ha lúa gieo thẳng trong vụ đông xuân 2017-2018 năm nay, huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích lúa gieo thẳng trong các vụ lúa tiếp theo. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa, đưa nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững và hiệu quả.
Thái Học