Nằm ở phía Nam của tỉnh, Kim Sơn vốn là huyện có có xuất phát điểm về kinh tế thấp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, dịch vụ thương mại chậm phát triển; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ; trình độ tay nghề cũng như hiệu suất lao động của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp chưa cao…
Bám sát những đặc điểm đó, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất CN - TTCN, Huyện ủy, UBND huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt cho những dự án mở rộng phát triển CN - TTCN. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả.
Huyện cũng chủ động ban hành quy định, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư; quan tâm công tác đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng của các doanh nghiệp; chú trọng khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề phụ nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động… Những giải pháp có tính đồng bộ nói đó đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hoạt động CN - TTCN của huyện Kim Sơn phát triển hiệu quả.
Xã Kim Chính hiện có 3 làng nghề truyền thống chế biến cói được UBND tỉnh công nhận, đó là làng nghề Thủ Trung, Kiến Thái, Trì Chính. Phát triển làng nghề truyền thống đã và đang là hướng đi đúng đắn, thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Những năm qua, làng nghề truyền thống của xã đã tạo việc làm thường xuyên trên 1.500 lao động với mức thu nhập ổn định từ 100 - 160 nghìn đồng/ngày, từ làm nghề truyền thống đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,9% (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các làng nghề của xã Kim Chính chỉ là một trong số hàng chục điểm phát triển CN - TTCN tại huyện Kim Sơn hiện nay. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Kim Sơn hiện có 1 cụm công nghiệp Đồng Hướng đang thu hút một số doanh nghiệp đầu tư và đi vào sản xuất trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi, gia công hàng dệt may…
Các doanh nghiệp này đã tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. Cùng với đó, huyện có 25 làng nghề được công nhận và 38 doanh nghiệp sản xuất trong ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Các ngành nghề phụ phát triển mạnh góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng CN - TTCN của huyện. Điển hình như các nghề đan cói, bèo bồng ở Kim Chính, Đồng Hướng, Như Hòa; chế tác gỗ ở thị trấn Phát Diệm, Quang Thiện; nấu rượu ở Tân Thành, Lai Thành...
Theo thống kê, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện Kim Sơn đã tăng từ 1.253 tỷ đồng (năm 2017) lên 1.700 tỷ đồng (năm 2018), theo giá năm 2010. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất CN - TTCN (theo giá năm 2010) trong quý ước đạt gần 460 tỷ đồng, tăng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018; theo giá hiện hành ước đạt 580 tỷ đồng.
Đặc biệt, cùng với sản xuất CN - TTCN, các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới chợ nông thôn được quy hoạch và xây dựng mở rộng theo tiêu chí nông thôn mới. Nhiều cơ sở kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 7,9%. Tổng giá trị xuất khẩu trong quý ước đạt 6,7 triệu USD (tăng 2,6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018). Doanh thu vận tải trong quý ước đạt 77 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy sản xuất CN-TTCN có phát triển song chưa thực sự ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương. Ngành nghề thủ công mỹ nghệ chủ yếu mới tập trung vào nghề sản xuất chế biến cói, nhiều doanh nghiệp còn thiếu vốn và mặt hàng để mở rộng sản xuất. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chưa được đầu tư theo hướng hiện đại… Điều này đã hạn chế đến kết quả phát triển sản xuất CN-TTCN và thương mại, dịch vụ của huyện Kim Sơn.
Để tập trung phát triển các ngành nghề CN-TTCN, trong thời gian tới, huyện Kim Sơn chủ trương đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên về đất đai, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông phát triển...
Đồng thời chỉ đạo việc đẩy mạnh các giải pháp nâng tầm phát triển công nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở cụm công nghiệp đã được phê duyệt, huyện sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các ngành của tỉnh tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp sớm đầu tư, lấp đầy cụm công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thuê đất tại cụm Công nghiệp Đồng Hướng giai đoạn 2. Chú trọng phát triển ngành dệt may, công nghiệp chế tác phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng; phát triển ngành nghề truyền thống...
Thái Học