Thầy giáo Phạm Minh Công, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Hướng - đơn vị tiêu biểu của huyện Kim Sơn trong 10 năm triển khai cuộc vận động cho biết: Để đưa ngôi trường có truyền thống và uy tín, phát triển như hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng phát động các phong trào, cuộc vận động, thu hút sự tham gia của tập thể cán bộ, giáo viên và các học sinh nhà trường. Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã thực sự tạo chuyển biến trong hoạt động dạy và học của nhà trường.
Thực hiện cuộc vận động, các thầy, cô giáo đã nghiêm túc giữ gìn các chuẩn mực nhà giáo, đạo đức, tác phong, trang phục, sự chan hòa nhã nhặn với học sinh, sáng tạo, đổi mới trong các tiết giảng, trong các hoạt động ngoại khóa, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục… Hiện nhà trường có 15 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 10 giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Nhiều giáo viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo trẻ cấp tỉnh, cấp huyện đạt giải cao. Năm học 2016-2017, nhà trường được UBND huyện Kim Sơn tặng giấy khen đơn vị xếp thứ nhì trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Sơn: Ngay từ khi triển khai Cuộc vận động, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, lập kế hoạch và đề ra nhiều biện pháp để tổ chức thực hiện. Ngành đã tổ chức linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức tuyên truyền, lồng ghép cuộc vận động với thực hiện Chỉ thị 05-CT/T.W của Bộ Chính trị, phong trào thi đua "Dạy tốt-học tốt", các cuộc vận động khác trong ngành.
Đặc biệt, việc xem xét kết quả cuộc vận động là một trong các tiêu chí bình xét thi đua, từ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành.
Trong 10 năm, ngành Giáo dục huyện đã triển khai 1.764 buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo; 420 cuộc nói chuyện theo chủ đề trong đội ngũ nhà giáo; 100% đơn vị thực hiện lồng ghép sinh hoạt chính trị trong buổi chào cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tạo hứng thú và đem lại ý nghĩa thiết thực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành.
Chuyển biến rõ nét nhất trong thực hiện cuộc vận động đó là đạo đức nhà giáo được tiếp tục nhân rộng trong toàn ngành, mỗi cá nhân nhà giáo luôn ý thức giữ gìn phẩm chất cao đẹp của người thầy, không để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo; luôn chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói, trong cách ăn mặc, cách giao tiếp với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và nhân dân; thương yêu, đối xử công bằng với học sinh, thực sự là tấm gương về đạo đức, chiếm được tình cảm, niềm tin yêu, sự kính trọng của học sinh, phụ huynh và nhân dân. 10 năm qua, toàn ngành có 565 cán bộ, giáo viên và nhân viên được kết nạp vào Đảng, hiện toàn ngành có 1.365 đảng viên.
Việc đổi mới, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng trong quá trình giảng dạy được các cơ sở giáo dục, mỗi thầy, cô giáo trong ngành thực hiện hiệu quả. Các giáo viên cũng đã tích cực nghiên cứu tự làm thêm đồ dùng dạy học mới, cải tiến đồ dùng dạy học đã có phù hợp với điều kiện cụ thể của bài dạy, của lớp học.
Trong cuộc thi làm đồ dùng dạy học các cấp, toàn ngành có 415 bộ đồ dùng dạy học dự thi cấp huyện, nhiều bộ đồ dùng được chọn dự thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Trong 10 năm qua, các hoạt động chuyên môn như hội giảng, chuyên đề, viết và áp dụng sáng kiến, thi giáo viên dạy giỏi các bậc học luôn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Trung bình mỗi năm toàn ngành có 1.895 cán bộ, giáo viên tham gia viết sáng kiến, trong đó có 950 sáng kiến xếp loại giỏi, 135 sáng kiến được công nhận cấp huyện, 9 sáng kiến được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận, 2 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh.
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, số học sinh có học lực khá, giỏi, đạo đức tốt tăng dần hàng năm; số học sinh có học lực yếu kém, đạo đức yếu giảm. 3 năm liền, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Sơn được nhận cờ trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.
Hồng Vân