Đối với huyện Kim Sơn, việc lấy nước còn khó khăn hơn nhiều bởi việc tưới tiêu nơi đây phụ thuộc phần lớn vào thủy triều, trong khi nước mặn đã lấn sâu vào nội địa, độ mặn ở các cửa sông, cửa cống khá cao. Theo kế hoạch, huyện lấy nước đổ ải đợt 1 cho vụ đông xuân 2011 từ ngày 17-1. Với tình trạng hạn hán và nhiễm mặn có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày, nếu không có các biện pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời vụ gieo cấy của vụ đông xuân. Bên cạnh đó, thời điểm đổ ải của Kim Sơn diễn ra trước lịch xả nước của các hồ thủy điện đầu nguồn 10 ngày nên nguy cơ thiếu nước và nước mặn xâm nhập càng tăng.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng chủ động các biện pháp ứng phó. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện đã có văn bản dự báo tình hình hạn hán gửi ngành chủ quản và các địa phương, đồng thời tiến hành họp, lập kế hoạch lấy nước và cơ chế phối hợp trong điều hành lấy nước theo hướng hợp lý, tiết kiệm. Huy động nhân lực, vật lực sửa chữa máy móc các trạm bơm, hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tu sửa một số công trình như cống Hồi Thuần, Chất Thành, Quy Hậu, Cự Lĩnh, Biện Nhị, Yên Lộc… Trong trường hợp khô hạn xảy ra, Chi nhánh chỉ đạo tận dụng tối đa nước thủy triều bằng tất cả các cống, trạm bơm, máy bơm dã chiến. Bên cạnh đó, tập trung lấy nước từ các cống qua sông của huyện Yên Mô và Yên Khánh. Ông Dương Văn Hiển, Trưởng Chi nhánh KTCTTL huyện Kim Sơn cho biết: Chi nhánh đang chỉ đạo các trạm quản lý ra quân nạo vét bổ sung hệ thống kênh mương chính, đồng thời đề nghị các địa phương huy động nhân dân nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo tốt việc lưu thông dòng chảy tiết kiệm tối đa nguồn nước cung cấp phục vụ sản xuất. Dự kiến có khoảng 3.000 ha bị thiếu nước nghiêm trọng ở các xã: Xuân Thiện, Ân Hòa, Hồi Ninh, Kim Chính, Lưu Phương, Định Hóa và khu vực Tiểu khu 4 là những nơi thiếu nước nhất. Hầu hết lãnh đạo các địa phương trong huyện đều có chung nhận định: Vụ đông xuân 2011, các xã sẽ phải tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn về nguồn nước.
Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Quan điểm của huyện là bằng mọi biện pháp, Kim Sơn vẫn phải đảm bảo lịch thời vụ, phần lớn công việc gieo cấy vụ đông xuân phải xong trước 15-2. Chi nhánh KTCTTL phải tập trung cao độ cho việc lấy nước đổ ải, các cống khu tả, hữu sông Vạc phải tận dụng tối đa nguồn nước khi độ mặn cho phép. Đối với vùng bơm điện, vận hành hết công suất 3 trạm bơm tưới Cổ Quàng 2, Cự Lĩnh và Yên Lộc để tưới cho những diện tích vùng cao. Các xã phải phối hợp chặt chẽ với Đội KTCTTL khoanh vùng bơm tát đạt hiệu quả cao đối với vùng tạo nguồn. Các HTX phải tổ chức bơm tát bằng các loại máy bơm dã chiến, bơm dầu, gầu, xuồng. Chủ động tối đa nguồn nước hiện có, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ thượng nguồn điều tiết về. Một khó khăn nữa của Kim Sơn hiện nay là thiếu kinh phí hỗ trợ cho công tác chống hạn, nhất là kinh phí phục vụ cho việc đầu tư sửa chữa lắp đặt, vận hành trạm bơm dã chiến chống hạn và nạo vét các tuyến kênh dẫn vào trạm bơm để cung cấp nước tưới cho bà con gieo cấy lúa đông xuân. UBND huyện Kim Sơn đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ đông xuân cho các xã, góp phần giảm bớt khó khăn của địa phương.
Vân Anh