*Tại huyện Kim Sơn, qua kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Như Hòa, xã Kim Chính và hồ sơ sổ sách công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Kim Sơn, đoàn đánh giá công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Kim Sơn.Ban chỉ đạo đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân để mọi người dân nhận thức được giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội. Các thành viên trong ban chỉ đạo đã phát huy vai trò chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là các thành viên phụ trách các khối xóm. Các nhà trường đã thực hiện đúng quy chế chuyên môn, có những biện pháp tích cực nâng cao chất lượng dạy học, kích thích sự đam mê học tập của học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện có trình độ, trình độ tay nghề vững, có tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn 97,1%. Chất lượng giáo dục của huyện ổn định: 100% trẻ em trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo, tỷ lệ học sinh bỏ học thấp; 98,77% số người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động dạy học và giáo dục hàng năm được củng cố, tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đổi mới. Đối chiếu với các tiêu chuẩn và điều kiện đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 07/TT-BGDĐT, Đoàn đánh giá huyện Kim Sơn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
*Buổi chiều, Đoàn đã kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Yên Khánh.
Tính đến tháng 10/2017, huyện Yên Khánh có 26.037 học sinh đang học tại 62 trường; với 1.922 giáo viên. Quy mô trường lớp các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân, 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi năm 2016; 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, năm 2016; 19/19 xã, thị trấn duy trì, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 19/19 xã duy trì, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 92%; số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia các mức độ chiếm tỷ lệ 94%; 15 xã, thị trấn có cả trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên với tỷ lệ đạt trên chuẩn chiếm 92,3%. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao…
Qua kiểm tra hồ sơ sổ sách công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Khánh Lợi, Khánh An, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận những kết quả trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện trong việc duy trì, củng cố vững chắc các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện năm 2017.
*Cùng ngày, Đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh đã kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Nho Quan.
Giờ lên lớp của cô và trò trường THCS Lạc Vân, Nho Quan. Ảnh: Minh Quang
Hiện nay, toàn huyện Nho Quan có 82 trường học với 971 lớp, trên 30 nghìn học sinh với tổng số hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm, huyện đã dành nguồn kinh phí 26.786 triệu đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Riêng huyện đầu tư xây dựng cơ bản bằng nhiều nguồn vốn trên 50 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 84%... đây là những điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn và điều kiện bảo đảm thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện Nho Quan có 27/27 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2017; 27/27 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 27 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại thị trấn Nho Quan và xã Lạc Vân, ghi nhận những nỗ lực của huyện Nho Quan trong việc duy trì, củng cố vững chắc các tiêu chí trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
*Buổi chiều, Đoàn tiếp tục kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Gia Viễn.
Gia Viễn là đơn vị có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Đối với giáo dục mầm non, 100% trẻ nhà trẻ được đánh giá cuối ngày và đánh giá cuối độ tuổi đạt kết quả tốt; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở độ tuổi nhà trẻ giảm còn 2,2%.
Đối với bậc học tiểu học, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 98,6%; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%; học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%.
Đối với giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh đạt hành kiểm loại tốt, khá đều tăng; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt 57,9%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,43%, tăng 0,43% so với năm học trước.
Huyện Gia Viễn cũng làm khá tốt việc huy động công tác xã hội hóa đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trong năm qua, từ các nguồn tài trợ đóng góp tập trung vào việc mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, củng cố sân chơi, bãi tập… với số tiền trên 3.497 triệu đồng.
Năm 2017, huyện Gia Viễn có 21/21 đơn vị cấp xã duy trì vững chắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 21/21 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 21/21 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại xã Gia Phương và Thị trấn Me, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận những kết quả mà huyện Gia Viễn đạt được trong năm 2017 về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đồng thời cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp với địa phương về một số nội dung: cần rà soát lại hồ sơ để sắp xếp cho khoa học; một số xã cần bổ sung các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện và địa phương trong việc thực hiện phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; kiểm tra lại một số số liệu chưa phù hợp với thực tế...
*Tại huyện Yên Mô, đoàn kiểm tra đã làm việc với Ban chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện, nghe báo cáo, kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ liên quan và tiến hành kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Yên Hòa và Khánh Dương.
Quá trình kiểm tra, đoàn quan tâm đặc biệt tới các vấn đề: việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh của Ban chỉ đạo huyện về công tác PCGD, XMC đối với cơ sở; việc ban hành các văn bản chỉ đạo của huyện với cơ sở; Hệ thống hồ sơ lưu trữ về công tác PCGD, XMC; các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và những kết quả thực tế trong công tác PCGD, XMC tại địa phương.
Các thành viên đoàn kiểm tra cũng tiến hành việc chất vấn, nghe giải trình và tiếp thu các ý kiến kiến nghị từ phía cơ sở về những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác PCGD, XMC...
Đối chiếu với các tiêu chuẩn và điều kiện đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 07/TT-BGDĐT, đoàn công tác đã thống nhất đánh giá: huyện Yên Mô có 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
*Cùng ngày đoàn thực hiện việc kiểm tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại thành phố Tam Điệp, kiểm tra thực tế tại phường Tân Bình và xã Quang Sơn. Qua các bước kiểm tra theo quy định, đoàn cũng thống nhất đánh giá: thành phố Tam Điệp có 9/9 phường xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cậpTHCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Hồng Vân-Đào Hằng- Mai Phương