Theo quy định của cơ chế điều hành lãi suất cơ bản và mức lãi suất cơ bản áp dụng trong tháng 7, lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 21%/năm. Trên cơ sở lãi suất cho vay này, các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động VND phù hợp để đảm bảo kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng. Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát các mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam hiện nay để xem xét điều chỉnh ở mức thích hợp, đảm bảo có chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ở mức hợp lý bù đắp đủ chi phí kinh doanh. Thống đốc giao giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát các mức lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; yêu cầu các tổ chức tín dụng có mức huy động vốn bình quân từ 17,5%/năm trở lên báo cáo phương án kinh doanh phù hợp với mức lãi suất huy động vốn; áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết với các tổ chức tín dụng có mức lãi suất huy động vốn ở mức cao, không có khả năng bù đắp chi phí kinh doanh. Như vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ nằm trong diện kiểm tra và phải báo cáo phương án kinh doanh. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 17,5%/năm đến 17,8%/năm, lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng thương mại cổ phần là từ 17,5%/năm đến 18,5%/năm, có trường hợp đã tăng lãi suất huy động lên tới 20% nhưng ngay lập tức đã phải điều chỉnh xuống. Hiện chỉ có các ngân hàng thương mại có vốn đầu tư nước ngoài là có mức lãi suất thấp hơn.
Theo TTXVN