Cùng với cả nước, phong trào Bình dân học vụ ở xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn) đã có bước phát triển mạnh. Ông Vũ Hữu Kiều, một giáo viên trong phong trào Bình dân học vụ những năm 1958-1959 của xã nhớ lại: Đây là thời kỳ gian khó nhưng cũng đầy tự hào của nền giáo dục xã nhà nói riêng và cả nước nói chung. Trong muôn vàn khó khăn, nhân dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa đánh giặc vừa quyết tâm xóa giặc dốt và liên tiếp mở các khóa học bổ túc để nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân.
Để động viên nhân dân đi học, địa phương đã phát động hàng loạt các phong trào như: "Đi học là yêu nước - Dạy học là yêu nước", "Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt", "Chống nạn mù chữ đi đôi với sản xuất tăng gia". Bà con nô nức đi học các lớp xóa mù chữ. Thời ấy, đi học không có "phấn trắng, bảng đen", mà dụng cụ học tập thường được bà con tự sáng tạo ra như than củi, que, lá… để vẽ xuống đất. Phong trào học diễn ra ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức như: con dạy cha, vợ dạy chồng, người biết chữ dạy người không biết chữ. Những cụ già, mắt không nhìn rõ chữ nữa thì "xung phong" ở nhà bế cháu, trông nhà tạo điều kiện để con cháu đi học. Đêm đêm, ở miền quê nghèo khó ấy sáng rực đèn đuốc để phục vụ sự học của nhà nhà, người người. Tại mỗi phiên chợ, các cán bộ bình dân học vụ đều có mặt, kiểm tra kiến thức trước khi bà con vào chợ. Ai chưa biết đọc thì cán bộ hướng dẫn đọc luôn… Với những nỗ lực đó, Liên Sơn không những đẩy lùi được nạn mù chữ mà còn nhận được phần thưởng có ý nghĩa lớn lao, đó là vinh dự được bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Bức thư với những lời căn dặn ấy của Bác đã trở thành niềm tự hào, là hành trang trong sự nghiệp phát triển giáo dục của bao thế hệ người dân xã Liên Sơn. Sinh ra tại mảnh đất này, ông Phạm Ngọc Phúc, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Gia Viễn, thấu hiểu cuộc sống lam lũ của người dân quê mình. Ông cùng lãnh đạo xã đau đáu làm sao để thế hệ trẻ thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu. "Muốn vậy phải đầu tư cho giáo dục, vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho trí tuệ con người". Từ suy nghĩ ấy, ông đề xuất thành lập Hội Khuyến học xã Liên Sơn.
Để sự nghiệp khuyến học, khuyến tài không còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm của riêng ai, một mặt, Hội khuyến học đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền ban hành các nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo công tác khuyến học, triển khai tới từng chi bộ và các ngành, đoàn thể. Mặt khác, Hội khuyến học xã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân quan tâm, chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác củng cố và phát triển tổ chức Hội luôn được địa phương quan tâm. Toàn xã hiện có 18 chi hội khuyến học, trong đó có ba chi hội trường học, 14 chi hội thôn xóm, một chi hội cơ quan xã, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia. Nhiều chi hội hoạt động hiệu quả như: chi hội xóm 1, chi hội xóm 13, chi hội các trường học... Đặc biệt, nói đến phong trào khuyến học ở Liên Sơn, không thể không nói đến vai trò của họ tộc. Một số dòng họ có thành tích cao như: dòng họ Đinh Quang (xóm 13), dòng họ Bùi Văn (xóm 1), đặc biệt dòng họ Phạm Ngọc (xóm 1) có 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, 116 người có trình độ Đại học.
Từ khi Hội khuyến học xã Liên Sơn được thành lập, nhiều phong trào, hoạt động khuyến học, khuyến tài được phát động và đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Sau khi ra đời, việc đầu tiên của Hội là thành lập tổ chống bỏ học tại các thôn, xóm, đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi tình hình đi học của học sinh. Trường hợp nào bỏ học, nhà trường thông báo tới tổ để xuống tận từng gia đình tìm hiểu nguyên nhân, động viên học sinh tới trường. Nếu tổ không giải quyết được thì Chủ tịch Hội xuống tận nơi.
Ông Phạm Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội khuyến học nhớ lại: Do đời sống còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình cũng chưa có điều kiện quan tâm tới việc học của con em. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Hội thường xuyên xuống các thôn, xóm, gặp các trưởng họ, nhất là những người cao tuổi có uy tín để vận động các gia đình tham gia phong trào. Trong các cuộc họp Đảng, chính quyền thôn, xóm, chúng tôi đều lồng ghép vấn đề phát triển giáo dục. "Mưa dầm thấm lâu", nhận thức của bà con về công tác khuyến học, khuyến tài được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc tăng nhanh tỷ lệ gia đình hiếu học.
Đến nay, tỷ lệ này đạt trên 70%. Và đây chính là cơ sở để chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh giỏi đứng thứ 2 toàn huyện, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT đạt 90%; đặc biệt, số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng, điển hình như năm học vừa qua, cả xã có 19 học sinh thi đỗ đại học.
Để có nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động, công tác xây dựng quỹ và vận động nhân dân, các tổ chức xã hội ủng hộ cho quỹ khuyến học cũng được Hội khuyến học quan tâm. Đời sống của người dân còn khó khăn, mức đóng góp tuy chưa nhiều nhưng bà con ai cũng hào hứng tham gia xây dựng quỹ. Mỗi năm, Quỹ vận động mỗi hội viên đóng góp từ 10.000 - 15.000 đồng, ngoài ra, còn đóng góp vào các dịp khác như giỗ tổ, thanh minh. Vào dịp lễ, Tết, đầu năm học mới… những người con xa quê thành đạt đều về thăm, tặng quà, đóng góp xây dựng quỹ. Nhờ đó, đến nay số tiền trong quỹ đạt 18 triệu đồng, một phần kinh phí được trích để mua quà tặng, động viên giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt vào dịp đầu năm học.
Nguyễn Hùng