"... Chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT một lần (không tổ chức thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT lần thứ 2). Các học sinh không đỗ tốt nghiệp sẽ được Sở GD-ĐT cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT hoặc bổ túc THPT để tạo điều kiện cho các học sinh này được đăng ký vào học nghề hoặc TCCN. Phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT sẽ tiếp tục được hoàn thiện nhằm có được kết quả tin cậy, làm cơ sở cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng các năm sau".
Theo ông Nguyễn Văn Ninh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT): Kết luận này của Bộ là hoàn toàn hợp lý với tình hình hiện nay. Ông Ninh giải thích: Có 2 lý do cơ bản để Bộ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2. Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 là một hình thức "vớt vát" những học sinh yếu, trên thực tế học sinh đã trượt lần 1 thì hầu hết không đảm bảo kiến thức trong chương trình giáo dục THPT. Nếu ngành giáo dục- đào tạo chỉ tổ chức 1 kỳ thi sẽ nâng được chất lượng của học sinh và đảm bảo hơn tính nghiêm túc của kỳ thi. Thứ hai, Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 đã gây không ít khó khăn cho cơ sở. Trong khi đó thời gian này, giáo viên các trường THPT cần thời gian để tập trung vào việc chuẩn bị cho năm học mới như: tập huấn thay sách, đổi mới chương trình…Mặt khác, lịch học năm nay sớm hơn các năm 2 tuần, như vậy trong một thời gian ngắn giáo viên phải làm quá nhiều công việc nên hầu như giáo viên không có thời gian nghỉ hè.
Trên thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 khá tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân trong khi đó kết quả của kỳ thi tốt nghiệp lần 2 không cao và tỷ lệ đỗ cũng chưa phản ánh đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Trong hai năm vừa qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp lần hai đối với THPT chỉ khoảng 50% và Bổ túc THPT từ 30%- 50%. Học sinh cũng không mấy mặn mà với kỳ thi, việc ôn tập để thi lại chỉ mang tính chất "chiếu lệ", học sinh bỏ thi không lý do rất nhiều. Kỳ thi tốt nghiệp lần 2 vừa qua có 221 thí sinh, trong đó có 104 học sinh THPT và 117 học viên Bổ túc THPT của Ninh Bình bỏ không thi lại lần 2. Điều này cho thấy học sinh cũng đã nhận thức được lực học của mình để có những quyết định khác cho "con đường vào đời" chứ không nhất thiết phải có bằng được tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Có thể nói, qua 2 năm triển khai cuộc vận động "hai không" trong toàn ngành chất lượng đào tạo đã có bước chuyển biến tích cực. Nhận thức của giáo viên, học sinh và xã hội về tính nghiêm túc trong thi cử đã được thể hiện khá rõ. Các kỳ thi đã phản ánh rõ hơn chất lượng thực chất. Tuy nhiên, nếu muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt chất lượng cao hơn thì đòi hỏi ngành giáo dục phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa để tạo niềm tin cho toàn xã hội. Không nên tổ chức thi lần hai để "tháo khoán" cho những học sinh yếu. Khi đó mới có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở quan trọng để xét tuyển vào đại học cao đẳng.
Thiết nghĩ, để hướng tới việc tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng theo phương pháp "ba chung" thì kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT phải đạt được sự nghiêm túc, tin cậy như kỳ thi tuyển sinh Đại học, cao đẳng hiện nay. Ngành giáo dục cần xây dựng ngân hàng đề thi đạt yêu cầu chất lượng. Các Học viện, trường Đại học, cao đẳng cần hoàn chỉnh phương án xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Có như vậy chúng ta mới có thể thực hiện tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010 như định hướng của Bộ giáo dục- đào tạo.
Nguyễn Thơm