Khi mới tái lập tỉnh, năm học 1991-1992, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình hoạt động trong điều kiện vừa chia tách tỉnh, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, quy mô ngành học, cấp học; trình độ đội ngũ chưa đủ về cơ cấu và chủng loại. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII với nhiều đổi mới quan trọng, trong đó phải kể đến Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật Phổ cập giáo dục và là năm học thứ 2 thực hiện cải cách giáo dục ở bậc phổ thông trung học…. Thời gian này, toàn tỉnh có 142 trường cấp I, trong đó 67 trường phổ thông cơ sở chưa tách cấp I, cấp II; 137 trường cấp II và 15 trường cấp III, với tổng số học sinh ở tất cả các cấp học chưa đến 160 nghìn học sinh. Chất lượng giáo dục văn hóa với tỷ lệ lên lớp ở cả 3 bậc học (Tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học) đạt từ 70-85%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 97-99%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn và xuống cấp nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 5 trường cấp III, 15 trường cấp I, cấp II có các phòng học cao tầng; số trường học mới xây được tính trên đầu ngón tay nhưng hầu hết là 1 tầng, còn lại các trường đều là nhà cấp 4, nhiều trường xuống cấp nghiêm trọng. Phòng học thiếu nên học sinh phải học 2-3 ca/ngày, bàn ghế không đảm bảo, có trường phải học bằng bàn đá, ghế đá. Trong cả năm học, tổng kinh phí mua sắm toàn ngành là 33,2 triệu đồng.
Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư).
Trước những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học, trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành Giáo dục Ninh Bình đã bắt tay vào huy động xã hội hóa giáo dục để thực hiện phong trào xây dựng trường học cao tầng, trường học kiên cố; đồng thời đổi mới công tác quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được học tập, trao đổi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quan tâm đến chất lượng mũi nhọn, chất lượng đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Kết quả những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 56-57% dân số độ tuổi, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 97 -98,7% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99,8%; huy động 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, lớp 6; có từ 79-85% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT. Ngành đã thực hiện tốt việc duy trì sỹ số học sinh, có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần theo từng năm học; huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập với tỷ lệ cao.
Cùng với đó, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đến nay đạt 85,4%. Ngành đã tích cực chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 80,8% trường mầm non đạt chuẩn mức độ I, 9,3% đạt chuẩn mức độ II; 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ I, 59,3% đạt chuẩn mức độ II; 78,2% trường THCS và 33,3% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện toàn ngành có trên 400 thạc sĩ; tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt 82,06%, trong đó 91,7% giáo viên mầm non, 97,8% giáo viên tiểu học, 87,3% giáo viên THCS và 18,6% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn về đào tạo. Tỷ lệ đảng viên toàn ngành đạt 70%... Đây là cơ sở để Ninh Bình đạt chất lượng cao không chỉ ở giáo dục đại trà mà cả ở chất lượng mũi nhọn.
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực tiến bộ theo từng năm học, từng bước khẳng định trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đối với giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, triển khai có hiệu quả chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non"; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối với giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tăng dần qua từng năm học, đến nay đạt 96,4%. Các trường tiểu học thực hiện nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng tích hợp các nội dung giáo dục Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật; 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh theo chương trình mới. Các trường trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, phân hóa theo năng lực học sinh.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục mũi nhọn từ việc dạy học phân hóa học sinh đến phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trường, tổ chức các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia cấp toàn quốc. Những năm gần đây, số lượng và tỷ lệ đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp Quốc gia ổn định ở mức cao: Năm 2011 đạt 47 giải, năm 2012 đạt 52 giải, năm 2013 đạt 50 giải, năm 2015 đạt 41 giải, năm 2016 đạt được 50 giải, năm 2017 đạt 45 giải. 25 năm qua, toàn tỉnh có 1.755 học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (trong đó Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy có 1.755 học sinh tham gia), đạt 995 giải thưởng (riêng học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đạt 960 giải); trong đó có 24 giải nhất, 191 giải nhì, 422 giải ba và 358 giải khuyến khích. Hàng năm, học sinh của tỉnh đều tích cực tham gia các cuộc thi cấp quốc gia khác như: Thi giải toán trên máy tính cầm tay, hội thi khoa học kỹ thuật, thi Olympic tiếng Anh trên Internet, thi giải Toán qua Internet... giành được nhiều giải cao. Tham gia triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu á tổ chức tại Malaysia, học sinh của tỉnh đã giành được 2 huy chương Vàng vào các năm 2013, 2016; 1 học sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2015…
Nhiều năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc; năm 2013, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm học 2015-2016 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen…
Hạnh Chi