Không khí phấn khởi ngày đầu tiên bước vào năm học mới
Thứ Hai, 06/09/2021, 03:14
Zalo
Sáng ngày 6/9, học sinh các cấp từ Tiểu học đến THPT trong tỉnh đến trường học tập chương trình chính khóa buổi đầu tiên năm học mới 2021-2022. Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu tiên tổ chức dạy và học, các cơ sở giáo dục từ thành phố đến huyện miền núi, vùng xa trung tâm của tỉnh đều tổ chức các hoạt động giáo dục theo đúng quy chế chuyên môn, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Không khí phấn khởi ngày đầu tiên bước vào năm học mới
Ngay từ 6h30 sáng, tại Trường Tiểu học Yên Sơn (thành phố Tam Điệp), nhiều học sinh đã đến trường với tâm trạng háo hức, phấn khởi.
Em Lê Kim Ngân, học sinh lớp 5A cho biết: Sau kỳ nghỉ hè, hôm nay em rất háo hức, vui mừng và phấn chấn khi được đến trường học tập, được gặp lại bạn bè, thầy cô... Mặc dù chương trình học mới, nhưng chúng em nhanh chóng ổn định nề nếp, chú ý nghe cô giảng bài và chăm chỉ học tập. Em mong muốn nhanh chóng hết dịch bệnh, được học trong môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, để vui chơi, học tập tốt.
Cô giáo Trần Thị Như Quỳnh, chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Học sinh lớp 1 được tựu trường sớm hơn học sinh các khối lớp khác để thực hiện việc rèn nề nếp. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nên học sinh chỉ học 4 ngày rồi tiếp tục nghỉ đến ngày tựu trường 6/9. Sau 1 tuần nghỉ dịch và nghỉ lễ, mọi nề nếp đã được hướng dẫn nhưng các học sinh quên nhiều nên giáo viên rất vất vả để nhắc nhở lại về nề nếp, công tác chuẩn bị, đồ dùng, sách vở, trang phục như mới nhập học.
Để các em tiếp thu kiến thức đảm bảo hiệu quả, giáo viên đã trao đổi trực tiếp với phụ huynh qua nhóm zalo của lớp để có sự nhắc nhở, rèn các em thêm kỹ năng. Hôm nay, hầu hết học sinh đều đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập.
Các nhà trường tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho năm học mới.
Điều đặc biệt trong năm học "đặc biệt" là một số cơ sở giáo dục ở các cấp học đã thực hiện tốt việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch COVID-19.
Đồng chí Trần Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Sơn cho biết: Năm học 2021-2022, nhà trường có 636 học sinh/15 lớp và tiếp nhận, tạo điều kiện cho 6 học sinh hộ khẩu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương cư trú, do dịch bệnh chưa về lại địa phương nơi thường trú để học tập. Khi các em và gia đình có nguyện vọng học tập tại trường, được nhà trường tiếp nhận, bố trí học tập tại trường như học sinh trong trường, đảm bảo quyền học tập của các em với phương châm "không để học sinh bị bỏ lại phía sau", hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới.
Để thực hiện chương trình năm học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, phương án chia lớp học thành 2 ca học sáng/chiều được nhiều cơ sở giáo dục bậc Tiểu học triển khai, đảm bảo phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường của học sinh, đảm bảo hiệu quả trong công tác giảng dạy, học tập.
Thời gian tổ chức ra chơi được rút ngắn, mỗi buổi học chỉ ra chơi 1 lần, trong thời gian 15 phút, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại lớp, tại trường. Theo ghi nhận buổi học đầu tiên, các nhà trường và giáo viên, học sinh chấp hành tốt quy định 5K và các hoạt động giáo dục đúng lịch trình.
Việc đảm bảo sỹ số đến lớp được học sinh và các gia đình chấp hành nghiêm, đảm bảo về thời gian quy định vào lớp. Thầy giáo Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Toàn trường có 1.357 học sinh. Trong ngày đầu tiên, nhà trường vắng 10 học sinh, đa phần là học sinh trong vùng phong tỏa theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 huyện Kim Sơn. Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đã xây dựng các kịch bản, các phương án dạy học để thích ứng với các cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục cả chương trình chuyên và chương trình cơ bản. Chuẩn bị các phương án dạy trực tuyến trên nền tảng công nghệ thông tin, đã thực hiện cấp tài khoản cho toàn bộ giáo viên, học sinh nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Sơn, thành phố Tam Điệp trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn, hiện nay các đội tuyển học sinh giỏi đang tiếp tục ôn tập và đẩy nhanh tiến độ ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới, tiến tới công tác chuẩn bị tham dự cuộc thi học sinh giỏi quốc gia.
Đối với chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, nhà trường chỉ đạo thầy, cô giáo xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch ngoài giờ phù hợp với học sinh... Trong năm học 2021-2022, nhà trường đưa ra mục tiêu dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, phấn đấu học sinh nhà trường, đặc biệt học sinh chuyên Anh thi tốt nghiệp THPT sẽ có chứng chỉ IELTS, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội trong giai đoạn mới.
Bước vào năm học mới, nhiều trường học ở huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô giáo Phạm Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B cho biết: Đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời điểm dịch bệnh, nhà trường đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh đến học trực tiếp và phương án dạy trực tuyến cho học sinh nếu dịch bệnh phức tạp hơn phải giãn cách xã hội. Nhà trường đã tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để giúp thầy cô giáo tự tin, vững vàng khi dạy trên lớp và dạy học trực tuyến. Nhà trường cũng đã mở tài khoản để học sinh học online, hướng dẫn học sinh và phụ huynh học sinh chuẩn bị các điều kiện để học trực tuyến...
Ghi nhận ngày đầu tiên trong năm học mới 2021-2022, tỷ lệ giáo viên và học sinh đến trường tương đối đầy đủ, với tâm lý phấn khởi, hào hứng, vui tươi. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các nhà trường đã nắm bắt tình hình, tư tưởng giáo viên, học sinh và tổ chức kiểm tra nề nếp, sĩ số, đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch bệnh. Tất cả cùng chung mục tiêu, dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng vẫn phấn đấu dạy tốt và học tốt.