Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ban ngành và Quốc hội, sau 2 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với hơn 1.335 nghìn học sinh, sinh viên học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thuộc hơn 1,2 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang được vay với tổng số vốn 13.517 tỷ đồng. Hội nghị này sẽ là dịp nhìn nhận những mặt được, khẳng định ý nghĩa xã hội to lớn của việc thực hiện Quyết định 157 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; đồng thời rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, vận động tại cấp tỉnh, huyện và xã, và trao đổi về những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá một số địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp xã còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán, lập danh sách thống kê hộ gia đình thuộc diện đối tượng của chương trình để làm căn cứ phê duyệt cho vay; việc cấp mã trường, mã học sinh, sinh viên khối dạy nghề chưa kịp thời; nguồn vốn cho vay của chương trình bị động… Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của một số trường, địa phương và chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế; chưa có cơ chế trao đổi thông tin về học sinh sinh viên được vay vốn tín dụng giữa nhà trường và các chi nhánh. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 157, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị chuẩn bị tốt các điều kiện về vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cấp đủ mã trường, mã học sinh, sinh viên, tuyên truyền mạnh hơn nữa đến các trường để học sinh, sinh viên hiểu về chương trình; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ giao dịch lưu động, duy trì giao dịch tại xã, cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay… Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị liên ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định chế tài xử lý học sinh sinh viên, hộ gia đình sử dụng vốn vay sai mục đích, có chế tài xử lý với cán bộ địa phương giải quyết sai thủ tục; hoàn thiện quy trình tổ chức xác nhận vay vốn của nhà trường và Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường cho đối tượng được vay… Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua 2 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng không có học sinh, sinh viên nào đã được nhận vào trường đại học, cao đẳng, học nghề mà phải bỏ học vì thiếu tiền. Qua kiểm tra phát hiện trong 1.247.000 hộ đang vay vốn, chỉ có 913 hộ gia đình không đúng đối tượng đã vay 5,4 tỷ đồng (chiếm 0,07% tổng số hộ vay vốn của chương trình). Kết quả này cho thấy đây là 1 trong những chương trình cho vay đúng đối tượng. Trước ngày 10/7 tới, ba cơ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn cho vay năm học mới. Tháng 12/2009, sau khi cho vay xong toàn bộ học kỳ 1 sẽ có kiểm tra tại 9 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời đề nghị các địa phương có khen thưởng các xã, các tổ tín dụng đã có những đóng góp tich cực thực hiện chương trình này. Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ phê duyệt Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, vì vậy đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát lại và đồng bộ hóa chính sách tài chính này với chương trình cho vay tín dụng học sinh sinh viên, tránh cho vay trùng lắp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát để xây dựng đề án chuẩn bị và triển khai thực hiện thu hồi vốn xong trước 15/8. Về việc cấp vốn cho chương trình, Bộ Tài chính đã chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.000 tỷ để triển khai ngay từ 15/8. Về mức vay, sẽ căn cứ vào trượt giá và Quyết định của Quốc hội liên quan đến Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục của Chính phủ để xem xét nâng mức cho vay đối với những ngành học nâng cao học phí. Trước ngày 15/8 liên ngành cần có quy chế thông tin về cho vay, đảm bảo từ năm học mới mọi thông tin liên quan việc thực hiện chính sách này đều được quản lý ở những cơ sở nhất định và có mối quan hệ với nhau; hoàn thành phần mềm quản lý vay vốn đi học và chính thức đưa chương trình này vào sử dụng.
Theo TTXVN/Vietnam+