Gia đình ông Đoàn Văn Hùng ở xóm 1, Lỗi Sơn, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn có hai con bò mắc bệnh viêm da nổi cục đã hơn 2 tuần qua. Ông Hùng cho biết: Không rõ con bò lây bệnh từ nguồn nào chỉ thấy nó có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần. Lấy làm lạ tôi liền báo chính quyền địa phương và thú y xã thì mới hay bò nhà mình mắc bệnh viêm da nổi cục - một loại bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của các cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, gia đình đã thực hiện nghiêm việc điều trị tích cực, cách ly con bò bị bệnh, tiến hành rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại.
Ông Vũ Duy Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Viễn thông tin: Qua điều tra ban đầu và kết quả xét nghiệm, xác định có 6 con trâu, bò (trong đó có 1 con đã chết) của 4 hộ dân thuộc 2 xóm của xã Gia Phong bị bệnh viêm da nổi cục.
Trong những ngày qua, Trung tâm đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện huy động cán bộ trực tiếp xuống cùng chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy con bò bị chết theo quy định; hướng dẫn hộ nuôi cách ly, điều trị cho 5 con còn lại. Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng, thuốc diệt côn trùng diệt ve, ruồi, muỗi (tác nhân lây truyền bệnh lớn nhất) ở tất cả các ổ dịch.
Đồng thời, khuyến cáo bà con trên địa bàn nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh; cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm với những con còn khỏe mạnh để theo dõi và hạn chế lây lan. Đăng ký và chủ động tiêm phòng cho đàn trâu, bò của gia đình trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ ở huyện Gia Viễn, từ cuối tháng 2 đến nay, tại huyện Nho Quan địa phương có số lượng trâu, bò lớn nhất tỉnh (khoảng 19 nghìn con) cũng đã phát hiện bệnh viêm da nổi cục.
Ông Bùi Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lạc cho biết: Đến nay, toàn xã đã ghi nhận 145 con trâu bò ở 5 thôn có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chuyên môn tập trung khoanh vùng, cách ly con vật bị bệnh để điều trị, nuôi dưỡng; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện khai báo bệnh, tiến hành phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bệnh xuân hè cho đàn gia súc còn lại để tăng sức đề kháng. Một tín hiệu đáng mừng là đã có một số con bò hồi phục tốt.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: hiện trên địa bàn Ninh Bình có 4 huyện là Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Nhận định nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, Chi cục đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ giết mổ, lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.
Đồng thời rà soát, thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò để theo dõi, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tiến hành tiêm thí điểm vắc xin phòng bệnh. Cấp phát 9.500 lít hóa chất để các địa phương tổ chức phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả tại các vùng có dịch.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò và không lây sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt, tiếp xúc, vận chuyển, thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%, tỷ lệ chết từ 1-5%.
Mặc dù tỷ lệ chết thấp, nhưng dịch bệnh gây suy nhược kéo dài ở động vật mắc bệnh nặng; giảm tăng trọng, ngừng sản xuất sảy thai. Hiện nguy cơ lây lan dịch viêm da nổi cục là rất lớn bởi người dân vẫn chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt của các hộ vẫn chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết đang chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm thuận lợi cho vi rút gây bệnh có điều kiện phát triển.
Tuy nhiên ông Mạnh cũng nhấn mạnh: Không chủ quan nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng bởi đây là bệnh không lây sang người, đã có vacxin phòng bệnh, và có thể có các biện pháp để điều trị, thanh toán bệnh.
Bài, ảnh: Hà Phương