Với nhiều gia đình có con năm nay chuẩn bị bước vào lớp 1, việc tìm nơi để cho con học chữ là mối quan tâm hàng đầu. Bên cạnh những lớp luyện chữ được mở ra ở các cơ sở tư nhân, nhà của các cô giáo dạy tiểu học, có gia đình không có điều kiện đưa đón thì tự dạy con ở nhà hoặc những gia đình có ông bà, bố mẹ ở quê cũng là địa điểm được nhiều bậc phụ huynh gửi gắm. Về quê ở Kim Sơn mấy ngày hè, tôi được chứng kiến người bác tất bật với đám cháu đang tuổi mầm non, tiểu học. Theo bác tâm sự: Hè đến, năm nào cũng vậy, mấy gia đình con cái ở Hà Nội, Ninh Bình đều tranh thủ gửi con về chơi và để bà giúp đỡ việc học hành vì bà nguyên là giáo viên tiểu học nghỉ hưu. Như năm nay, có 2 đứa cháu chuẩn bị vào lớp 1 nên bà phải quan tâm hơn. Hàng ngày, sau khi cho ăn uống xong xuôi là bà bắt ngồi vào bàn học. Những con chữ đầu tiên còn xiêu vẹo, nguệch ngoạc nhưng bà rất vất vả hướng dẫn, uốn nắn cho cháu. Cứ được một chữ là hoặc khóc vì viết chưa được, hoặc là chạy chơi, đi uống nước, vệ sinh…Vì vậy, bác ngao ngán: Đã cấm là cấm hẳn việc không được dạy chữ trước cho trẻ trước khi vào lớp 1. Chứ cứ cấm trên văn bản giấy tờ rồi không kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm thì nhà không cho con đi học lại "ngó" sang nhà đã cho con đi học để mà lo lắng, sốt ruột. Rồi cuối cùng không cách này thì cách khác lại vẫn dạy chữ cho trẻ… Trước tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, ngay từ đầu hè, Sở Giáo dục- đào tạo đã có công văn gửi phòng Giáo dục- Đào tạo các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó nêu rõ: Để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em mầm non, trẻ sinh năm 2010 (sẽ vào lớp 1 năm học 2016-2017), học sinh phổ thông được nghỉ hè đúng, đủ thời gian, học tập khoa học, phát triển tự nhiên, có điều kiện vui chơi, giải trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cha mẹ trẻ mầm non, học sinh phổ thông về tác hại của việc học trước chương trình; học tại các cơ sở không đủ điều kiện về: diện tích, ánh sáng phòng học, bàn ghế, người dạy, thời gian học. Đồng thời, quán triệt lại cho 100% cán bộ, giáo viên về Chỉ thị số 2325 ngày 23/6/2013 và Chỉ thị số 5105 ngày 3/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và dạy học trước chương trình. Quán triệt 100% giáo viên nhà trường không tham gia dạy thêm trong hè, dạy học trước chương trình. Bên cạnh đó, chấp hành việc tuyệt đối không để việc dạy trước chương trình, dạy thêm trong hè đối với trẻ em sinh năm 2010 sẽ vào lớp 1 năm học 2016-2017, học sinh phổ thông trên địa bàn quản lý của nhà trường. Đối với trường mầm non tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong hè chỉ thực hiện khi cha mẹ trẻ có nhu cầu, tự nguyện, có sự thỏa thuận, thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ trẻ.
Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục, để chấn chỉnh tình trạng học trước chương trình, dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, hoạt động này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với chính quyền, các tổ chức xã hội của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời cán bộ, giáo viên dạy trước chương trình, dạy thêm trong hè. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp dạy thêm, học thêm và dạy học trước chương trình. Trường hợp cán bộ, giáo viên không thuộc phạm vi quản lý mà tổ chức dạy thêm, dạy trước chương trình cần được báo cáo với cấp có thẩm quyền để xử lí. Đặc biệt, đối với chương trình lớp 1, mấy năm gần đây đã có những đổi mới với việc ngày càng có nhiều nhà trường đưa vào giảng dạy chương trình Tiếng Việt 1 công nghệ. Như năm học 2016- 2017, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều triển khai dạy tiếng Việt 1 công nghệ cho học sinh lớp 1. Chính vì vậy, việc để con đi học trước hoặc tự dạy con ở nhà sẽ gây khó khăn cho trẻ khi tiếp cận với chương trình học tại trường. Đây là điều mà các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1 cần quan tâm, lưu ý.
Bùi Diệu