Trao đổi về việc thực hiện không chấm điểm học sinh tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Lê, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Ninh Vân (Hoa Lư) cho biết: Từ năm học 2013- 2014 giáo viên dạy lớp 1 đã chấp hành nghiêm việc thực hiện không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các em học sinh bước vào lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè nên việc được cô giáo kèm cặp, dạy bảo và đánh giá hàng ngày bằng những nhận xét như: em cần cố gắng, chữ viết đẹp… khiến các em học sinh tự tin, mạnh dạn hơn. Đồng thời, qua đó còn giúp động viên, khích lệ tinh thần tự giác, chăm học của mỗi học sinh. Đối với giáo viên, thực hiện không chấm điểm học sinh lớp 1 qua một năm thực hiện cho thấy hình thức đánh giá này có nhiều ưu điểm. Việc hàng ngày trực tiếp đánh giá, có những nhận xét với từng học sinh, ở từng môn học, tiết học còn giúp cho quá trình dạy học của giáo viên được sâu sát, thường xuyên hơn đến từng học sinh. Ngay cả phụ huynh, việc không thực hiện chấm điểm sẽ không tồn tại sự so sánh giữa con em mỗi gia đình, không tạo áp lực về điểm số…Do đó, năm học 2014- 2015 thực hiện quy định không chấm điểm học sinh tiểu học chắc chắn phù hợp với lứa tuổi bậc tiểu học.
Cô giáo Mai Thị Diệp, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị xã Tam Điệp) cũng cho biết: Ban đầu khi mới triển khai việc không chấm điểm học sinh lớp 1, nhiều phụ huynh bày tỏ thái độ nghi ngại, không đồng tình vì cho rằng không chấm điểm sẽ không biết con em học hành ra sao, không có căn cứ để đánh giá học lực …? Ngay đối với giáo viên dạy lớp 1, thực hiện không chấm điểm ban đầu đều khó cho nhiều người do việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian hơn so với đánh giá bằng điểm số, phải lập sổ theo dõi quá trình học tập của học sinh theo từng môn học mới có được sự đánh giá chính xác, cụ thể…
Tuy nhiên, khi đã thực hiện tốt và thường xuyên thì việc đánh giá không bằng hình thức chấm điểm đã thể hiện rõ tính ưu việt khi giúp học sinh tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong học tập, không bị áp lực vì điểm số, phụ huynh cũng không lo lắng hoặc căng thẳng khi theo dõi quá trình học tập của con, khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm. Bản thân giáo viên dạy lớp 1 cũng nêu cao được tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, có sự quan tâm sâu sát hơn đến từng tiết học, bài giảng, từng giai đoạn học tập của học sinh. Năm học qua, dù không thực hiện chấm điểm lớp 1 nhưng qua kết quả kiểm tra chất lượng cuối năm đã phản ánh khá chính xác quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. 189 học sinh lớp 1 của nhà trường vẫn đạt kết quả học tập tốt với 66,7% xếp loại học lực giỏi, 25,8% xếp loại học lực khá, 6,9% trung bình, 0,5% yếu. Năm học 2014- 2015, thực hiện việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên học tập, nghiên cứu các nội dung cơ bản của Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn giáo viên thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Các giáo viên cũng có sự chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, sự công tâm, chính xác trong đánh giá học sinh, có sự rút kinh nghiệm từ việc thực hiện không chấm điểm học sinh lớp 1 từ năm học trước để năm học này thực hiện tốt hơn, góp phần đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan từng học sinh.
Trao đổi với đồng chí Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo được biết thêm: Việc đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo Thông tư 30/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục- Đào tạo là yêu cầu đánh giá học sinh theo hình thức mới, theo mô hình trường tiểu học mới. Việc đánh giá được thực hiện trên nguyên tắc không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Hình thức đánh giá chính là việc bãi bỏ việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay bằng những nhận xét của giáo viên đối với từng học sinh, từng môn học, tiết học. Thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiểu học triển khai học tập, nghiên cứu các nội dung của thông tư, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh, đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu rõ quy định mới.
Thực tế những năm qua, việc đánh giá học sinh bằng điểm số đã trở thành cách đánh giá truyền thống, quen thuộc. Bất kỳ trong giờ dạy nào, tiết học nào các em học sinh cũng có thể được chấm điểm, nhất là việc đánh giá định kỳ gây tâm lý nặng nề, áp lực cho học sinh, phụ huynh, là một nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tình trạng học trước chương trình, dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1, vừa rời trường mầm non để bước vào học tập trong môi trường mới, còn nhiều bỡ ngỡ đã phải gò mình để học, để lấy điểm cao khiến nhiều em không tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, chỉ biết học, thiếu kiến thức xã hội. Việc cho điểm số cũng bộc lộ nhược điểm khi không đánh giá chính xác, đầy đủ quá trình rèn luyện của học sinh, chỉ định lượng được kết quả học tập…
Ngay đối với nhiều phụ huynh, khi biết thông tin về quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học, nhiều người không đồng tình và bày tỏ ý kiến phản đối. Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Thanh Bình- thành phố Ninh Bình) cho biết: Đúng là lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ, không chấm điểm là phù hợp. Nhưng các lớp lớn hơn nếu bỏ chấm điểm sẽ dẫn đến tình trạng các em lơ là việc học. Bởi điểm số ít ra cũng là động lực để khi bị điểm kém, học sinh cần cố gắng hơn để giành điểm cao. Do đó, khi biết thông tin bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học, tôi khá lo lắng vì gia đình có 2 cháu đang học tiểu học… Không chỉ riêng gia đình chị Phượng chưa tin tưởng ở hình thức đánh giá học sinh bằng không chấm điểm, mà nhiều phụ huynh học sinh vẫn còn nghi ngại, không đồng tình. Do đó, việc không chấm điểm học sinh tiểu học cần được các trường tiểu học triển khai nghiêm túc trên cơ sở thực hiện thường xuyên, chính xác, khách quan, công tâm của mỗi giáo viên.
Mục đích của việc thay đổi toàn diện việc đánh giá học sinh tiểu học là nhằm tạo môi trường học tập vui tươi, phấn khởi cho học sinh mỗi ngày đến lớp, giúp các em hoàn thiện được các kỹ năng, có ý thức tự học, vươn lên trong học tập và trong các hoạt động giáo dục tại nhà trường… sẽ được mỗi giáo viên, mỗi nhà trường thực hiện hiệu quả để tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Bài, ảnh: Bùi Diệu