Trong khi đó, tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh), những ngày qua nhiều trẻ em, trong đó có các em học sinh lớp 1 vẫn chưa một ngày được bố mẹ đưa tới trường để làm quen với lớp, với bạn và được cô giáo uốn nắn nét chữ đầu tiên.
"Tước đoạt" niềm hân hoan, khoảnh khắc thiêng liêng đó của con trẻ lại chính là bố mẹ- những người vốn dành cho các em tình yêu thương vô bờ bến. Nguyên nhân là để gây sức ép với chính quyền địa phương, nhằm phản đối phương án chuyển con em mình đến học ở môi trường… tốt hơn.
Gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen" tròn 27 năm, thầy giáo Nguyễn Hồng Cẩm, hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng vừa trải qua một lễ khai giảng khó quên nhất: 1/3 số học sinh của nhà trường vắng mặt.
Vẫn nguyên nỗi buồn ngày khai giảng, thầy Cẩm cho biết: Năm học này khá đặc biệt với thầy và trò nhà trường khi chúng tôi được chuyển đến một ngôi trường có có sở vật chất đảm bảo hơn trường cũ rất nhiều.
Tuy chỉ là tận dụng lại từ Trường THCS Lê Quý Đôn, song tất cả 18 phòng học còn rất kiên cố và có diện tích đạt chuẩn. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay khi tiếp nhận cơ sở vật chất tại khu trường mới, nhà trường cùng chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sửa sang, trang hoàng lại và hoàn thành một số hạng mục quan trọng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của thầy trò.
Tuy nhiên, trái với niềm vui của thầy cô, đã có nhiều phụ huynh ra sức phản đối chủ trương chuyển trường này. Trong lá đơn gửi UBND huyện Yên Khánh và UBND thị trấn Yên Ninh, đại diện phụ huynh tỏ rõ quan điểm không ủng hộ việc cho con em mình chuyển đến học ở ngôi trường mới bởi lý do khó khăn trong việc đưa, đón con đi học hàng ngày. Đáng chú ý, nhiều phụ huynh còn phản đối chính quyền bằng giải pháp… cho con nghỉ học. Trong đó, có rất nhiều trẻ em năm nay mới bước vào lớp 1, đang rất háo hức chờ đón năm học mới.
Trong năm học mới này, Trường Tiểu học Kim Đồng có 584 học sinh. Riêng học sinh khối lớp 1 có 144 cháu. Ngay trong ngày khai giảng, đã có trên 190 học sinh không được cha mẹ đưa tới trường. Trước thực trạng này, nhà trường đã cử giáo viên đến các gia đình để phân tích, động viên phụ huynh đưa con tới trường để bắt đầu hành trình cho một năm học mới. Chính quyền địa phương cũng tăng cường đối thoại, giải đáp những vướng mắc của một bộ phận phụ huynh. Tính đến hết ngày 8/9, vẫn còn 50 học sinh chưa được đưa tới lớp.
Cô giáo Phan Thị Hường, chủ nhiệm lớp 1 chia sẻ: Có rất nhiều cách để các phụ huynh bày tỏ quan điểm đối với chủ trương chuyển trường, nhưng việc sử dụng con trẻ như một "công cụ" để phản đối chính quyền, phần thiệt thòi nhất vẫn thuộc về các cháu học sinh. Trẻ vào lớp 1 đều rất bỡ ngỡ với trường lớp, thầy cô và bạn bè. Các con cần được gia đình và nhà trường dìu dắt những bước đi đầu tiên trong hành trình chinh phục tri thức.
Lẽ ra, thời điểm này các cháu đang được cùng với thầy cô, bạn bè khám phá những kiến thức, được rèn luyện các kỹ năng và hình thành nhân cách thì các cháu lại phải ở nhà. Thực ra, bố mẹ nào cũng thương con, luôn kỳ vọng ở con một sự trưởng thành cả về nhân cách lẫn sự nghiệp ở trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ vì những suy nghĩ chưa thấu đáo mà chính bố mẹ lại làm ngược với những điều mình từng động viên con, từng giáo dục con mình thì đây thực sự là sự việc đáng tiếc.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng không cho con đến trường là hành động ích kỷ của bố mẹ. "Tất nhiên, việc chuyển trường có thể sẽ khiến việc đưa đón con đến trường đối với một số gia đình trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, mọi người nên tìm cách để khắc phục thay vì việc phản đối rất vô lý như hiện nay. Bởi lẽ các cháu được học tập trong môi trường an toàn hơn đó mới là điều quan trọng nhất.
Thực tế, ở một vài địa phương đã để xảy ra tai nạn trong trường học có nguyên nhân từ sự xuống cấp của hệ thống cơ sở vật chất. Mới đây nhất là vụ tai nạn sập cổng trường học ở Lào Cai khiến 3 học sinh bị tử vong…
Sự việc đau lòng này là bài học đắt giá, đòi hỏi sự quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa về cơ sở vật chất trường học nhằm đảm bảo an toàn cho con trẻ. Những vấn đề còn băn khăn, vướng mắc, các phụ huynh cần đối thoại trực tiếp với chính quyền để tìm hiểu cho thấu đáo"- bà H. một phụ huynh xin được giấu tên chia sẻ.
Trao đổi câu chuyện này với bà Bùi Thị Huế, Phó Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp, bà Huế cho biết: Tất cả trẻ em đều có quyền được đến trường. Quyền này được quy định tại các văn bản pháp luật sau: Điều 39 Hiến pháp nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam ngày 28/11/2013; Khoản 1, Điều 28 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989; Điều 16: Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu và Điều 44: Bảo đảm về giáo dục cho trẻ trong Luật Trẻ em ngày 05/4/2016. Điểu 13: Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong Luật Giáo dục ngày 14/6/2019…
Đặc biệt, luật pháp cũng quy định về xử lý đối với hành vi cản trở quyền học tập của trẻ em, cụ thể tại Điều 106 Luật trẻ em; Điều 30 Nghị định số 144/2013/BĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Như vậy, với cách phản ứng chính quyền một cách tiêu cực, nhiều phụ huynh ở thị trấn Yên Ninh đã tự tay "tước đoạt" đi quyền học tập của con trẻ trước thềm năm học mới chính từ sự thiếu hiểu biết của bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật.
Một năm học mới đã bắt đầu. Những ngày này, các cấp, các ngành và các địa phương đang dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, nhất là đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm cũng hướng về trẻ em nghèo bằng những hành động thiết thực với mục tiêu duy nhất là tiếp bước cho các em được đến trường, quyết tâm không để trẻ em phải bỏ học do khó khăn. Hi vọng rằng, những học sinh còn lại của Trường Tiểu học Kim Đồng cũng sẽ sớm được trở lại trường bằng sự am hiểu và chấp hành pháp luật của cha mẹ.
Nhóm PV