Nhưng hôm nay Thạch Bình đã khác xưa rất nhiều. Đồng đất đã được phủ một màu xanh của lúa, ngô, khoai… Trên khắp xứ đồng, bà con nông dân đang cần mẫn chăm sóc cây trồng. Điều đáng nói là trên những thửa ruộng ấy đã xuất hiện các loại cây trồng mới như: Bí xanh, lạc, hành… Thạch Bình đang đổi mới.
Chúng tôi đến thôn Lạc Bình 2, một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Đồng chí Bùi Quang Linh, Bí thư chi bộ thôn tâm sự: Toàn thôn hiện có 128 hộ với trên 500 khẩu, trong đó 96% là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, đời sống người dân trong thôn khổ lắm bởi đa phần bà con chưa biết cách thức làm ăn, tập tục sản xuất lạc hậu, lại đông con (nhà ít thì có 6 người con, nhà nhiều có tới 11 người con).
Thực hiện công cuộc giảm nghèo, chính quyền xã, thôn và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với đức tính cần cù, chăm chỉ, bà con đã biết đánh thức tiềm năng đất đai và sức lao động của con người. Vùng đất trũng được nhân dân cải tạo trồng lúa lai hai vụ, đất đồi rừng được khai thác hợp lý. Bây giờ trong thôn hầu như nhà nào cũng đủ ăn, phần lương thực dư thừa được bà con tập trung cho chăn nuôi. Đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể. Năm 2008, thôn có 23 hộ thoát nghèo và chỉ còn 32 hộ nghèo. Người dân trong thôn đã ý thức được trách nhiệm của mình và giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên.
Bí thư chi bộ Bùi Quang Linh đưa chúng tôi tới thăm một số hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Đinh Văn Bình. Pha nước trà mời khách, anh Bình bộc bạch: Trước đây, vợ chồng tôi thuộc diện nghèo trong thôn, sinh sống bằng nghề làm mướn. Năm 2006, tôi được xã xem xét cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo không lấy lãi. Từ nguồn vốn này gia đình tôi đã đầu tư vào nuôi lợn, gà rồi chuyển dần sang nuôi bò. Giờ gia đình đã có cuộc sống tương đối ổn định, các con tôi được đến trường. Tôi luôn nhắc nhở vợ con phải chí thú làm ăn, chăm chỉ học hành để không còn nghèo đói và thiếu hiểu biết nữa.
Trong chuyến tìm hiểu thực tế lần này tại Thạch Bình, con số làm chúng tôi ngạc nhiên đó là tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm một cách mạnh mẽ (trong năm 2008, toàn xã đã có 300 hộ thoát nghèo). Nếu như năm 2007, Thạch Bình có tới 40,39% hộ nghèo (đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Nho Quan và là 1 trong 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh) thì đến hết năm 2008 con số này chỉ còn 21,6%.
Đồng chí Trần Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, sở dĩ Thạch Bình có được kết quả này là do từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 2005 trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã thực hiện hiệu quả nhiều chính sách giảm nghèo. Trong đó phải kể đến sự quan tâm đầu tư của Nhà nước từ Chương trình 135 và đặc biệt là sự hỗ trợ của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, Đề án số 15 của UBND tỉnh về "Công tác giảm nghèo đến năm 2010" mà Thạch Bình là một trong những xã được hưởng lợi từ Chương trình này.
Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, năm qua, Thạch Bình đã được đầu tư nạo vét, nâng cấp 5 hồ nước với kinh phí hàng tỷ đồng. Hiện nay, một số hồ nước đã hoàn thành các hạng mục chính, phục vụ tốt nhu cầu tưới cho phần lớn diện tích sản xuất của xã - vùng vốn được coi là "sản xuất nhờ trời". Đảm bảo tưới tiêu, người dân đã yên tâm tính chuyện đầu tư lâu dài trên đồng đất của mình. Những năm gần đây, xã đã tập trung vận động nhân dân đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào trồng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi đôi với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã còn khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển chăn nuôi. Thế mạnh trong chăn nuôi của Thạch Bình là đàn bò và đàn lợn. Trong chăn nuôi, xã đã chú trọng công tác tiêm phòng và kiểm soát không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Vì vậy mà chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và sản lượng. Hiện toàn xã có 31 hộ có trang trại nuôi lợn quy mô từ 50 đến 80 con, tiêu biểu có gia đình bà Thân Thị Mai Chinh (thôn Đồi Mây) đã có lúc nuôi tới 3.000 con lợn.
Người Thạch Bình bây giờ nuôi bò, nuôi lợn đã biết kén giống tốt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bà con biết cách thức chế biến thức ăn cho lợn, bò phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, làm chuồng thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, do đó chăn nuôi không còn nhiều rủi ro như trước.
Ngoài chăn nuôi, tận dụng quỹ đất trống, bà con đã trồng nhiều rau xanh, trồng cây vụ đông. Bên cạnh đó, Thạch Bình còn khai thác triệt để thế mạnh tiềm năng về đất lâm nghiệp. Mấy năm trở lại đây, xã đã được chuyển 180 ha đất đồi rừng ít xung yếu sang rừng sản xuất và hiện có khoảng 200 hộ đang tận dụng đất rừng để trồng cây keo. "Chỉ vài năm nữa thôi, Thạch Bình chắc chắn khá lên nhờ kinh tế rừng" - đồng chí Bí thư Đảng ủy xã khẳng định.
Ngô, lúa đã đủ ăn. Điện lưới Quốc gia, nước tưới phục vụ cho sản xuất từ các công trình thủy lợi, rồi các trường học, trạm y tế, đường giao thông kế tiếp nhau hình thành đã mang ánh sáng văn minh cho số đông người dân trong xã. Tuy chưa có nhiều hộ giàu, kinh tế chưa hẳn đã hết khó khăn, song với những gì mà Đảng bộ, nhân dân địa phương đã làm trong thời gian qua, Thạch Bình sẽ tạo ra bước chuyển mới, làm thay đổi đáng kể diện mạo, đời sống nhân dân, vươn tới no ấm, hạnh phúc.
Mai Lan