Nằm trên địa bàn rộng, vừa là vùng bãi ngang điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vừa là vùng Công giáo, ba năm trở về trước, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học xã Cồn Thoi đứng vị trí cuối cùng của 29 trường Tiểu học trong toàn huyện, đến năm học 2018-2019, nhà trường đã vươn lên vị trí 18/29 trường.
Chia sẻ về sự bứt phá đi lên của nhà trường, đồng chí Phạm Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cồn Thoi cho biết: Xã Cồn Thoi có 10 xóm, phân bổ dân cư không tập trung, nhân dân ở rải rác, học sinh đi lại gặp khó khăn. Về cơ sở vật chất, nhà trường thiếu một số phòng học, phòng chức năng, nhiều phòng học đã xuống cấp. Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học chưa đồng bộ; ngân sách địa phương còn hạn hẹp, sức đóng góp của nhân dân còn hạn chế; một số gia đình kinh tế còn khó khăn, chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em…
Để đẩy mạnh phong trào "Dạy tốt, học tốt", Ban giám hiệu nhà trường đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đảm bảo lớp học 2 ca/ngày cho 784 học sinh/23 lớp, nâng cao chất lượng giáo viên, định biên đủ giáo viên đứng lớp và giáo viên chuyên biệt, đạt tỷ lệ 1,43 giáo viên/lớp; tăng cường kỷ cương nề nếp, nâng cao năng lực, hiệu lực các tổ chuyên môn; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; quan tâm thực hiện chế độ cho học sinh theo chính sách hỗ trợ các xã bãi ngang ven biển theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về học sinh nghèo được hỗ trợ học phí, bảo hiểm…
Năm học 2018-2019, nhà trường đạt được nhiều kết quả phấn khởi: Có 3 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện; có 1 học sinh đạt giải nhì Quốc gia, 34 học sinh giỏi cấp tỉnh, 58 học sinh giỏi cấp huyện; trường được công nhận lại trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, được công nhận danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" xuất sắc; xã Cồn Thoi đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; nhà trường tăng 11 bậc xếp hạng các trường Tiểu học trong huyện.
Đặc biệt, năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Cồn Thoi được tiếp thêm động lực khi được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm cấp kinh phí trên 5 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị phục vụ bữa ăn bán trú cho trường thuộc xã bãi ngang đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay nhà trường gặp khó khăn do chưa có nhà bếp để tiếp nhận các thiết bị phục vụ bếp ăn bán trú. Hiện nhà trường đang nỗ lực đẩy mạnh việc xã hội hóa xây dựng công trình nhà bếp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được ăn bán trú tại trường, thuận lợi cho việc dạy học ở vùng bãi ngang.
Huyện Kim Sơn hiện có 83 trường, gồm 27 trường Mầm non, 29 trường tiểu học, 27 trường THCS và 27 Trung tâm học tập cộng đồng thuộc 27 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó có 16 trường thuộc 5 xã bãi ngang (Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi, Kim Hải, Kim Trung).
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Sơn, trước đây, với đặc thù huyện vùng biển có nhiều người dân đi làm ăn xa và làm kinh tế biển, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em; tình hình học sinh bỏ học, lưu ban nhiều. Cùng với đó, cơ sở vật chất ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, với sự quan tâm của các cấp, các ngành cho vùng bãi ngang, huyện Kim Sơn cũng đầu tư kinh phí cho chương trình xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn được đến trường.
Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã hỗ trợ trang thiết bị cho các trường mầm non của huyện Kim Sơn, trị giá 1,8 tỷ đồng và một số trang thiết bị cho các trường tiểu học, THCS, (trị giá 500 triệu đồng). UBND huyện trang bị cho các trường bàn ghế học sinh, trang thiết bị phục vụ dạy học trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Nhiều xã cũng đang tích cực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa, khởi công xây mới các đơn nguyên phòng học, công trình phụ trợ, trang bị thiết bị dạy học cho các nhà trường, phục vụ việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trị giá trên 150 tỷ đồng. Năm học 2019-2020, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện là 76/83 trường, đạt tỷ lệ 91,6%.
Xác định muốn có trò giỏi thì thầy cô phải giỏi, các nhà trường đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ. Đến nay, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đã có tài khoản trên trường học kết nối, thực hiện quản lý trực tuyến kết quả học tập của học sinh và thực hiện các chức năng báo cáo qua các hệ thống phần mềm. Toàn ngành có 2.351 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 99,9% đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 96,5%.
Cùng với đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ, năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Sơn đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh việc đổi mới, nội dung và phương pháp giáo dục, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tích cực xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, duy trì các trò chơi dân gian, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia và các cuộc thi khác.
Khuyến khích tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi trên tinh thần tự nguyện, như Olympic tài năng Tiếng Anh, Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên Tiếng Anh, ý tưởng trẻ thơ, Olympic Toán, Giải Toán tiếng Anh trên mạng Internet… Từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn từng bước theo kịp với sự phát triển giáo dục của các vùng, miền khác trong tỉnh.
Hồng Vân