Trở lại xã vùng cao Cúc Phương vào những ngày giáp Tết, hai bên đường tràn ngập sắc xuân, thấp thoáng trên sườn núi những nhánh đào phai đang vươn cao chào đón xuân về, nhưng ấn tượng hơn cả là những ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang, từ lớp học, nhà công vụ cho đến khu bếp ăn, nhà ở bán trú, sân chơi, bãi tập... phục vụ cho việc dạy và học của thầy, trò nơi vùng cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Phương - người đã có 30 năm gắn bó với giáo dục nơi này vui vẻ cho biết: Cách đây hơn 10 năm, cô và trò xã vùng cao phải gian nan lắm mới có được cái chữ. Riêng bậc tiểu học có tới 4 điểm trường, xa nhất là điểm trường lẻ cách trung tâm xã cả chục km đường đồi núi. Đặc biệt, với học sinh ở bản Sấm 1, Sấm 2 và Sấm 3, khó khăn hơn cả bởi vừa xa trung tâm, trời mưa đường lầy lội, trơn trượt, đi học phải qua suối nên nếu mưa, nước lên cao là học sinh phải nghỉ học. Những hôm đó, cô giáo phải đi bộ 4-5km đến nhà vận động các em đến trường. Nhiều học sinh không muốn học, cô giáo còn đi ủng lội suối, lội đường đến nhà kèm cặp từng em. Cơ sở trường lớp khó khăn, không có phòng học kiên cố mà chỉ bằng lán tranh tre vách đất, bàn ghế thiếu phải ghép cho học sinh ngồi cùng nhau mới đủ.
Với những giáo viên công tác nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này, thì chỉ tình yêu nghề thôi chưa đủ, các thầy cô còn phải có thêm lòng nhiệt huyết, sự hy sinh và tình yêu thương các em học sinh như con cái trong nhà. Bởi ở đây, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì các thầy, cô giáo vừa là người cha, người mẹ của các em. Có những em rất nghèo, sách vở, bút viết không có, thầy cô lại mua cho, rồi nhiều em không có gì để ăn sáng, thầy cô cùng dành dụm từ đồng lương ít ỏi mua đồ ăn sáng như bánh mì, mì tôm cho các em có sức học hành...
Giờ học thể dục của các em Trường Tiểu học Quỳnh Lưu.
Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên Trường Tiểu học Cúc Phương vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hương chia sẻ: Nhà trường hiện chỉ còn 2 điểm trường, với 12 phòng học kiên cố, 1 phòng thư viện, 1 phòng tin học, thư viện xanh rộng 80m2 với đa dạng các loại sách, báo do các tổ chức, cá nhân trao tặng..., đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt cho 311 học sinh. Cơ sở vật chất đầy đủ đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường. Nếu như năm học 2011-2012, Trường đứng trong tốp cuối các trường tiểu học trong huyện, thì đến năm học 2012-2013, trường phấn đấu được UBND huyện khen thưởng, đứng vị trí đầu trong tốp 2. Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Cúc Phương đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, chất lượng giáo dục nhà trường đã đứng trong tốp đầu của huyện Nho Quan.
Đồng chí Trần Thị Kim Liên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết: Để tạo sức bật mới cho giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của ngành, của các cấp phát động. Qua các phong trào thi đua vừa tạo cho học sinh, giáo viên được cọ xát với kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực, đồng thời là điều kiện để phát hiện những cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực. Từ năm học 2016-2017 đến nay, giáo dục và đào tạo huyện Nho Quan đã vươn lên vị trí thứ tư, thứ năm trong toàn tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng đại trà được nâng lên, điểm thi vào lớp 10 liên tục 3 năm tăng. Năm học 2017-2018, huyện có Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và Trường Tiểu học Thạch Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua.
Cùng với đó, quy mô trường lớp ổn định, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; chỉ tiêu trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học cơ bản đạt và vượt, hiện đã có 78/82 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 95,12% cao hơn tỷ lệ bình quân chung toàn tỉnh. Năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục của huyện tiếp tục đạt được những kết quả mới ngay từ đầu năm học: Đạt giải Ba toàn đoàn trong cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp tỉnh năm 2018; đạt giải nhất toàn đoàn tại Giải cầu lông cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục cấp tỉnh lần thứ XIII năm 2018; đạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Đồng đồng đội và 6 huy chương Đồng cá nhân tại Giải bơi học sinh phổ thông năm học 2018-2019; có 3 sản phẩm sáng tạo KHKT có chất lượng tham gia Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm 2018; có 178 học sinh đạt giải trong kỳ khảo sát học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện; xếp thứ 2/13 đoàn tại Giải bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2018...
Phấn khởi với những kết quả đã đạt được, Phòng Giáo dục và Đào tạo Nho Quan tiếp tục chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cho phù hợp với thực tế của huyện; sắp xếp, luân chuyển giáo viên hợp lý, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tạo nền móng vững chắc trong đào tạo học sinh; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới và chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra đánh giá, tổ chức thi nghiêm túc, tạo sự công bằng, công khai; tổ chức cho các trường trong huyện học tập, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các nhà trường..., nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Hồng Vân - Minh Quang