Điều đáng nói, khách du lịch đến Cô Tô không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, vẹn nguyên của thiên nhiên vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng với sự thân thiện của người dân, đặc biệt là sự quản lý hoạt động du lịch tuy còn mới mẻ nhưng khá bài bản của chính quyền huyện đảo. Những lợi thế sẵn có từ thiên nhiên, cộng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của trung ương, địa phương và người dân giúp du lịch Cô Tô những năm gần đây phát triển rất mạnh, lượng khách du lịch đến Cô Tô liên tục tăng. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cô Tô cho biết: Kể từ khi có hệ thống điện lưới quốc gia được kéo ra tới đảo (ngày 16/10/2013), cùng hệ thống cơ sở hạ tầng nước sinh hoạt, giao thông được đầu tư nâng cấp…du lịch Cô Tô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nếu như năm 2012, Cô Tô đón trên 35 nghìn lượt khách, thì sang năm 2013 đã có 105 nghìn lượt và năm 2016 đạt 300 nghìn lượt. Chỉ trong 4 năm, ngành du lịch Cô Tô lên tăng gần 9 lần (tăng bình quân 214% năm).
Sức mạnh thần kỳ nào để Cô Tô có bước nhảy vọt về du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung như thế ! Được biết, những cơ chế, chính sách của huyện và sự mạnh dạn đầu tư của người dân đã và đang góp phần làm cho ngành Du lịch ở Cô Tô phát triển bền vững. Điểm đáng ghi nhận, nhằm thúc đẩy người dân tập trung vào phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Cô Tô đã ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển dịch vụ, du lịch. Cụ thể, trong năm 2012 và 2013, UBND huyện Cô Tô đã trình HĐND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng với mức vay 200 triệu đồng cho mỗi hộ dân để xây nhà mới có đủ điều kiện đón khách du lịch; hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ dân xây dựng nhà vệ sinh khép kín để phục vụ sinh hoạt của gia đình và đón khách du lịch. Tiếp đến, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng từ 40 -45% cơ cấu kinh tế của huyện. UBND huyện Cô Tô cũng phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. BCH Đảng bộ huyện Cô Tô phê duyệt Đề án phát triển du lịch Cô Tô bền vững giai đoạn 2016 -2020.
Bình minh trên huyện đảo Cô Tô.
Cùng với đó, ngày 28-4-2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-UBND công nhận huyện Cô Tô là Khu du lịch địa phương. Tiếp đến, ngày 15-7-2016, Công an tỉnh có văn bản số 1436/CAT-PA72 về việc cấp giấy phép vào khu vực biên giới đối với người nước ngoài, theo đó người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu hợp lệ đến huyện Cô Tô không phải xin giấy phép. Đây là tiền đề quan trọng tháo dỡ rào cản để Cô Tô thu hút khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách quốc tế !
Anh Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc marketing (Công ty Cổ phần Du lịch Ninh Bình), cho biết: Trước đây nhiều lần dẫn tour đưa khách ra Cô Tô, trong đoàn có khách nước ngoài khi đến Vân Đồn không xin được giấy phép nên khách đành phải quay về. Điều đó ảnh hưởng lớn tới uy tín của Công ty và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch của huyện Cô Tô. Tuy nhiên, từ khi rào cản người nước ngoài ra vùng biên, trong đó có Cô Tô được tháo dỡ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng lữ hành và lượng khách nước ngoài đến Cô Tô ngày một tăng.
Để phát triển du lịch, bên cạnh việc tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường, điện, nước, Cô Tô đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về du lịch. Hàng năm, UBND huyện đều ban hành các kế hoạch tổ chức hoạt động du lịch nhằm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch. Cũng như tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện trong dịp hè.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chỗ, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động du lịch, Cô Tô đã thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp đào tạo nghề du lịch ngắn hạn và lớp trung cấp chuyên nghiệp du lịch, có cơ chế đào tạo liên thông lên cao đẳng, đại học cho thanh niên trong huyện. Cùng với đó, những năm trước Cô Tô đã có chính sách hỗ trợ học phí và cử thanh niên tốt nghiệp THPT học trung cấp nghề du lịch tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.
Được biết, để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách, trong năm qua, huyện Cô Tô đã chú trọng đến công tác xây dựng văn minh - văn hóa du lịch; xây dựng tuyến, điểm du lịch; thành lập Hội Du lịch Cô Tô. Cũng như tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá cả, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch. Đặc biệt, huyện rất chú trọng đến vấn đề giao thông, nhất là giao thông đường thủy được bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức mở lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Anh miễn phí vì cộng đồng cho trên 60 học viên; tập huấn cho 350 lao động phục vụ trong ngành Du lịch; mở lớp nghiệp vụ cơ sở lưu trú cho 85 lượt học viên. Ngoài ra nhiều nhà nghỉ, khách sạn được đầu tư xây dựng tạo một diện mạo mới cho du lịch Cô Tô.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay huyện Cô Tô có 300 cơ sở lưu trú với 2.500 phòng, gần 70 điểm ăn uống, 30 điểm mua sắm, 26 điểm giải trí. Riêng lĩnh vực vận chuyển du khách và người dân địa phương ra vào đảo, có 8 công ty vận tải hành khách đường thủy như: Ka Long, Nguyên Việt, Thành Quân... đã đầu tư và đưa vào sử dụng trên 20 tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô và ngược lại với thời gian từ 55 phút đến 75 phút/chuyến đã rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền.
Anh Trần Trung Tụ, du khách đến từ Nam Định đã đến du lịch Cô Tô vào năm 2013 và năm nay anh có dịp quay trở lại vui vẻ cho biết: "Trước đây tuy đã có tàu cao tốc nhưng cung không đủ cầu, việc đi lại rất khó khăn nhưng vì trót yêu Cô Tô biển xanh, cát trắng, nắng vàng và con người nơi đây thân thiện, dễ mến nên năm nay tôi cùng gia đình quyết tâm quay lại Cô Tô. Và thật bất ngờ là phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền đã được đầu tư và đáp ứng tốt nhu cầu cho du khách, điều bất ngờ thêm nữa là dịch vụ du lịch đã được nâng lên rõ rệt. Tôi rất hài lòng khi đến du lịch tại Cô Tô". Không chỉ có gia đình anh Tụ mà rất nhiều du khách đến Cô Tô đều có cảm nhận chung như vậy.
Diện mạo của Cô Tô đã được thay đổi, nhiều nhà cao tầng mọc lên, chất lượng dịch vụ du lịch đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Cùng với đó, huyện Cô Tô đang tích cực triển khai xây dựng con đường xuyên đảo với số kinh phí trên 119 tỷ đồng. Con đường khi hoàn thành sẽ tạo nên diện mạo mới để phát triển du lịch Cô Tô. Trong tương lai không xa, Cô Tô sẽ có các resort nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao, đặc biệt là Công ty TNHH Vận tải Ka Long đã đóng mới được 2 tàu cao tốc, chở được trên 300 khách và có thể chạy được gió mạnh cấp 7. Điều đó sẽ giải quyết được khó khăn cho huyện và cho du khách khi gió mạnh không còn bị cấm tàu như trước đây.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cô Tô chia sẻ, du lịch Cô Tô đang phát triển theo đúng lộ trình, đúng quy hoạch. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, huyện sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch Cô Tô như du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng. Trước mắt huyện sẽ đặc biệt quan tâm tới du lịch gắn với giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng hoàn chỉnh bãi biển Vàn Chảy thành bãi tắm du lịch đạt chuẩn, xây dựng phố đi bộ, chợ đêm và khu ẩm thực... Năm 2016 là năm bội thu của Du lịch Cô Tô với tổng khách ước đạt 300 nghìn lượt, tăng hơn 67% so với cùng kỳ, đặc biệt là có tới 676 lượt khách nước ngoài, bằng gần gấp 4 lần so với năm 2015. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng. Năm 2017, Cô Tô phấn đấu sẽ đón 350 nghìn lượt khách và doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng.
Cùng với những hướng đi được hoạch định rõ ràng, chắc chắn du lịch của Cô Tô sẽ có thêm nhiều khởi sắc, đảo Cô Tô sẽ giàu mạnh, vững vàng trên tuyến đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đó là những điều kiện quan trọng để ngành Du lịch của Cô Tô chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến phát triển mang tầm vóc là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cấp quốc gia…
Bài, ảnh: Minh Đường - Thế Minh