Anh Cảnh sinh năm 1990, tại làng quê nghèo nằm cạnh dòng sông Đáy, giáp ranh giữa xã Thượng Kiệm của huyện Kim Sơn với xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh sớm gác lại việc học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Khoảng năm 2006, anh Cảnh xin vào làm cho các trại chăn nuôi ở tỉnh Hòa Bình. Anh tâm sự: Vì hoàn cảnh nên tôi phải bươn chải từ sớm. Nhưng cũng vì thế mà tính đến nay, tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi gà. Trước đây, tôi làm cho các trại, rồi công ty chăn nuôi gà trên Hòa Bình, từng phụ trách chăm sóc cho những trại với số lượng hàng vạn con. Vậy nên kỹ thuật chăm sóc con gà đã "thuộc nằm lòng", đó là cũng lợi thế khi bắt đầu khởi nghiệp.
Đầu năm 2022, anh Cảnh trở về quê, cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi trên diện tích đất vườn của gia đình. Với vốn kiến thức đã tích lũy, anh xây dựng chuồng nuôi gà đẻ trứng theo hướng công nghiệp với hệ thống lồng nhốt, hệ thống điện chiếu sáng và sưởi ấm, hệ thống thông gió... và mua hơn 3.000 con giống.
Theo anh Cảnh, để nuôi gà đẻ hiệu quả cần làm tốt ngay từ khâu chọn giống. Cần lựa chọn giống gà khỏe, chất lượng, nên mua gà giống từ các trại chăn nuôi lớn và uy tín. Ngoài ra, muốn gà giữ được thể trạng và đẻ nhiều, người nuôi phải thường xuyên theo dõi biểu hiện của đàn gà, cho ăn đủ theo khẩu phần, đúng giờ, kết hợp bổ sung thêm thuốc bổ chuyên dụng cho con gà.
Ngoài ra, đàn gà phải được tiêm phòng các loại dịch bệnh khác theo định kỳ, xung quanh chuồng và trong chuồng phải được tiêu độc, khử trùng, đồng thời phải thường xuyên thu gom xử lý chất thải.
Những ngày hè nắng nóng, anh sử dụng tấm giấy làm mát, bảo đảm nhiệt độ trong chuồng dao động từ 20 - 27 độ C. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ nên trang trại gà của gia đình anh ít bị dịch bệnh và phát triển tốt.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, gia đình anh thu khoảng 2.700 quả trứng, tỷ lệ đẻ đạt trên 90%, với giá bán trung bình từ 2.400 đến 3.100 đồng/quả. Anh cho biết thêm, nếu giá đạt đỉnh là 3.100 đồng/quả, mỗi ngày tôi có thể thu lãi khoảng 3 triệu đồng/ngày. Nhưng hiện nay giá trung bình khoảng 2.400 đồng/quả thì chỉ lãi hơn 1 triệu đồng/ngày. Đó là do chi phí nuôi gà đẻ khá lớn, mỗi ngày riêng tiền thức ăn cho gà đã mất hơn 3 triệu đồng, cộng thêm thuốc bổ, tiền điện, tiền nhân công... So với chăn nuôi các con vật khác thì nuôi gà đẻ trứng có thu nhập hàng ngày cao hơn, nhưng cũng khá vất vả và giá cả cũng bấp bênh. Vì vậy, người nuôi phải kiên trì thì mới duy trì được nghề.
Ngoài nuôi gà đẻ trứng, anh Cảnh kết hợp nuôi thêm gà thịt. Tháng 3/2022, anh Cảnh được vay vốn tín chấp 50 triệu đồng theo Nghị quyết số 43 ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển kinh doanh cho thanh niên. Từ nguồn vốn vay đó, anh Cảnh đã phát triển đàn gà thịt, ban đầu chỉ từ số lượng 1.000 gà thịt đến nay đàn gà thịt đã có số lượng gần 4.000 con. Qua đó nhằm tối ưu diện tích chuồng trại, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá trứng gà xuống quá thấp.
Nhờ tính kiên trì, tâm huyết với công việc, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, anh Lưu Văn Cảnh đã bước đầu thành công với lựa chọn của mình. Bởi lẽ đến nay, trang trại nuôi gà đẻ trứng của anh đã ổn định sản xuất, cho nguồn lợi nhuận tương đối ổn định.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Cảnh cho biết, trong năm tới tôi dự định sẽ mở rộng sản xuất. Tôi sẽ thuê đất của địa phương để xây dựng một trang trại nuôi gà đẻ thực sự, theo hướng tập trung và quy mô, hiện đại hơn. Tôi cũng mong sẽ tiếp tục được vay vốn ưu đãi từ Đoàn thanh niên với số lượng nhiều hơn, để thêm tự tin, vững bước đi đến thành công của hướng phát triển kinh tế đã chọn.
Bài, ảnh: Thái Học