Băn khoăn chọn trường
Đã gần tháng nay, chị K.T - bạn tôi luôn tỏ ra lo lắng bởi cậu con trai của chị đang chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học. Thấy chị lo, tôi động viên: Cháu học chuyên, thi thế nào chẳng đỗ. Song có ở trong cuộc mới thấy chị lo cũng phải, bởi việc chọn trường, chọn nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó giống như một ngã rẽ, quyết định đến cả tương lai, sự nghiệp của con cái sau này.
Chị muốn con thi vào trường có điểm tuyển không cao lắm cho "chắc ăn", nhưng con trai chị lại muốn ghi tên mình vào một trong những trường thuộc tốp đầu như Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngân hàng... Và để dung hòa cả nguyện vọng của mẹ và con, chị quyết định sẽ làm mấy bộ hồ sơ, phòng khi "khó trường này còn có trường khác". Trò chuyện với cháu Q, con trai chị, tôi được biết, phần lớn các bạn trong lớp của cháu đều chọn các trường đại học danh tiếng để thi, một phần muốn khẳng định mình, phần nữa cũng là để xứng đáng với thương hiệu "học sinh chuyên". Để đạt được ước mơ, Q đã dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học. Sáng, chiều học tại trường, tối học tại nhà cô giáo. Theo Q, nếu không học thêm sẽ rất khó cho việc thi đại học.
Không phải là học sinh chuyên, không có điều kiện học tốt như Q, nhưng P.T, cô cháu gái của tôi cũng đầy quyết tâm khi đi thi đại học. Hàng ngày, sau buổi học chính khóa ở trường, T lại đạp xe từ Gia Viễn xuống thành phố Ninh Bình ôn luyện. Dù gia đình cấy gần một mẫu ruộng nhưng mẹ T vẫn thuê người làm để con có thời gian học tập. T tâm sự: Nếu năm nay cháu thi không đỗ, sang năm Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai xét tuyển đại học, cơ hội học lên càng khó... Có lẽ vì vậy, T đã chọn cho mình trường thi vừa sức hơn, đó là Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Bên cạnh những học sinh đầy quyết tâm thi đỗ đại học, tôi cũng được chứng kiến tư tưởng "được chăng hay chớ" của nhiều học trò. Phần lớn số này lực học ở mức trung bình. Các em xác định cửa ải khó vượt qua nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn việc thi đại học là để biết... nếu không đỗ, năm sau sẽ chuyển sang học nghề.
Anh H (phường Tân Thành) cho biết: Sức học của cháu nhà tôi khó có thể thi đỗ đại học, nhưng chiều theo ý cháu, tôi vẫn cho làm hồ sơ thi vào đại học Thương mại. Không đỗ sau này nó cũng không trách được bố mẹ. Hơn nữa, với quy chế thi như hiện nay, việc đỗ tốt nghiệp còn khó chứ tính gì đến chuyện thi đại học.
Cùng chung ý nghĩ với anh H, với mẹ của P.T, rất nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng khi mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần. Họ có thể làm mọi việc, dù vất vả, cực nhọc để con cái được học hành nên người. Nhưng lực học của mỗi cháu lại khác nhau, việc xác định cho các cháu trách nhiệm, tâm thế vững vàng khi lựa chọn trường thi là hết sức cần thiết. Các cụ xưa đã có câu "liệu cơm gắp mắm", việc quyết định thi đại học hay học nghề, chọn trường nào để thi cho vừa sức? điều này không nên phó thác hoàn toàn cho các cháu mà cần có sự định hướng của gia đình, nhà trường trên cơ sở phân tích kỹ năng lực thực sự của mỗi học sinh. Tránh tình trạng đổ xô thi đại học, trong khi cơ hội học nghề đang mở ra phía trước.
Trong giờ ôn tập bài của học sinh trường THPT Lương Văn Tụy. Ảnh: Phạm Trường
Sôi động các điểm học thêm
Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp để các điểm học thêm bung ra. Năm nay nhu cầu học thêm dường như tăng lên bởi sức ép của cuộc vận động "2 không" với tinh thần tự lực cánh sinh là chính. Ngoài việc học để củng cố kiến thức, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em còn phải cố gắng vượt bậc để thi đỗ đại học, bởi không có gì thay đổi từ năm học 2009 - 2010, Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ áp dụng phương pháp xét tuyển đại học, do đó nhiều học sinh lo lắng kết quả học THPT và điểm thi tốt nghiệp của mình sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Theo chân các em học sinh đến một số điểm học thêm tôi mới thấy nhu cầu học của các em khá lớn. Riêng thành phố Ninh Bình có đến hàng chục điểm học thêm với quy mô trên dưới 100 học sinh/ca. Có giáo viên thì mở lớp tại nhà, có giáo viên thì phải thuê điểm dạy. Đến thăm 1 điểm dạy thêm có uy tín trên địa bàn phường Tân Thành, nếu nhìn qua không ai biết trên tầng 2 đang có gần 100 học sinh ôn luyện, bởi cửa tầng 1 thì đóng, xe đạp đã được các học sinh gửi cách đó vài chục mét. Đều đặn mỗi ngày có từ 3-4 ca học, mỗi ca 2 tiếng đồng hồ.
Tuy không có biển hiệu quảng cáo và những lời mời chào hấp dẫn như các lò luyện trên Hà Nội, nhưng các điểm học thêm ở Ninh Bình có sức hút tương đối. Những thầy, cô mở lớp học thêm thường là những người giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm trong việc ôn luyện đại học. Nếu là giáo viên đang công tác, việc tổ chức dạy thêm chỉ dừng ở 1-2 ca/ngày, nhưng với một số giáo viên đã nghỉ (chủ yếu của Trường Lương Văn Tụy) thì dù rất cố gắng cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu, thường là 3-4 ca/ngày. Việc học thêm hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, giá mỗi buổi học 7-8 nghìn đồng, cũng có trường hợp giáo viên chỉ nhận 5-10 học sinh nhưng phải qua kiểm tra chất lượng đầu vào. Với đối tượng này, giá mỗi buổi học là vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồng.
Một mùa thi mới sắp bắt đầu. Mọi lo lắng, băn khoăn cũng là điều dễ hiểu. Song để đạt được thành công, mỗi bạn trẻ cần phải xác định cho mình hướng phấn đấu và ý chí quyết tâm rõ ràng, liệu sức mình để có sự lựa chọn đúng đắn. Vài đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất và việc đi học thêm cũng không phải là giải pháp tốt nhất để có thể thi đỗ đại học. Nếu đã nắm chắc kiến thức và có động cơ học tập đúng đắn, chắc chắn sẽ gặt hái những thành công.
Hà Trang