Ngăn chặn sớm đà suy giảm Hàng loạt ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh đang trong tình trạng suy giảm đáng báo động vì chịu tác động kéo dài của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tính đến ngày 13/4, toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với tổng số lao động bị ảnh hưởng là 15.276 lao động/33.156 lao động, chiếm trên 46% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Trong đó, số lao động chấm dứt hợp đồng lao động là 3.130 người; số lao động ngừng việc là 5.345 người; số lao động nghỉ việc luân phiên là 6.801 người.
Dự báo, sẽ có khoảng hơn 10 doanh nghiệp dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ việc trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020. Đa số các doanh nghiệp sẽ chỉ trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng, một số doanh nghiệp sẽ cho công nhân nghỉ việc mà không hưởng lương.
Cũng theo báo cáo của Sở Công thương, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 174,8 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng tháng năm trước. Nhưng kim ngạch xuất khẩu quý I vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên bước sang tháng 4, do tác động của dịch bệnh bùng phát mạnh nên các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước bị hạn chế.
Nhu cầu nhập khẩu một số hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh như hàng dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện thoại, xi măng-clanke... bị suy giảm đáng kể vào tháng 3 và dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm trong quý II.
Ngoài ra trong bối cảnh dịch bệnh, việc xuất khẩu bằng đường hàng không bị ảnh hưởng bởi nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Các quy định về kiểm soát dịch của các nước dẫn đến hàng tồn kho nhiều. Với những khó khăn này các cơ quan chuyên môn dự báo kim ngạch xuất khẩu của tháng 4 sẽ giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng này, Chính phủ và các bộ, ngành đang vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ cùng các chính sách an sinh xã hội, các gói hỗ trợ tín dụng hàng chục nghìn tỉ đồng để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch...
Về phía tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020. Tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt nhất để cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, tranh thủ các lợi thế hiện có, nắm bắt cơ hội mới.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, các ngành, các cấp đang tiếp tục rà soát, nắm tình hình, tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cần hỗ trợ.
Từ đó, có các giải pháp xử lý kịp thời với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đồng thời, báo cáo Trung ương xem xét giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền địa phương.
Những việc cần làm ngay
Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc triển khai các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn. Các giải pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu kép vừa hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục hoạt động ổn định, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức tín dụng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã thống kê được hơn 1.800 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng đã hỗ trợ cho 83 khách hàng có dư nợ. Tổng nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại là trên 550 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho khách hàng đạt 26 triệu đồng. Trong quý I, tổng nợ được xử lý rủi ro là 1.349 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đang tiếp tục lập hồ sơ theo ngành nghề kinh doanh những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tiến hành giảm lãi suất theo quy định.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã chủ động trao đổi với Sở Công thương các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để nắm bắt thông tin kịp thời, thông báo tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu để doanh nghiệp chủ động và có kế hoạch triển khai hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin thị trường các nước đã ký Hiệp định FTA với Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả hơn nữa các cơ hội mà Hiệp định này mang lại, bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên liệu trong nước để thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các giải pháp cấp bách để tái khởi động lại nền kinh tế, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết tháng 3, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh Ninh Bình quản lý đã giải ngân là 1.266,4 tỷ đồng, đạt 46,82% kế hoạch vốn giao.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương theo các chương trình mục tiêu đạt 70,53% kế hoạch; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 47,06% kế hoạch; vốn nước ngoài ODA đạt 15,7% kế hoạch. Tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Tạo điều kiện tối đa cho công tác triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn đầu tư công cũng như tiến độ các dự án vốn ngoài ngân sách, các thủ tục phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Song song với việc hỗ trợ để tái khởi động lại nền kinh tế, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp hướng dẫn hỗ trợ kiểm tra doanh nghiệp thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đeo khẩu trang, khử trùng, tổ chức ăn ca, làm việc giãn cách... Xe đưa đón công nhân phải đảm bảo thực hiện tốt phòng, chống dịch để người lao động yên tâm.
Yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động. Dừng, tạm dừng ngay các cơ sở không đảm bảo yêu cầu để sản xuất.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm