Cùng với sự hình thành và phát triển của Hội Khuyến học cả nước, ngày 24-4-1999, Hội Khuyến học Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 531/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình. 17 năm qua, đội ngũ cán bộ Hội đã dành sự tâm huyết, nhiệt tình cho Hội, từ đó tổ chức Hội khuyến học đã có bước phát triển vững chắc. Trải qua 4 kỳ Đại hội, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn, khu dân cư có tổ chức hội khuyến học; 100% cơ quan, trường học, 70% dòng họ có ban khuyến học hoặc hoạt động khuyến học với số hội viên là 280.150 người, chiếm 30,28% dân số, trong đó có 65% hội viên đóng hội phí.
Đồng hành với nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức và phát triển hội viên, hoạt động xây dựng quỹ hội được các cấp hội chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Bằng sự kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo với nhiều hình thức gây quỹ như: "Ao cá khuyến học", "Ruộng lúa khuyến học", " Lợn nhựa khuyến học", "Hàng cây khuyến học", "Vòng tay đồng đội"… đã thu hút nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hội đồng hương, các doanh nhân, các nhà hảo tâm, các chức sắc tôn giáo, các thôn bản, dòng họ, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ xây dựng quỹ, nhờ đó quỹ khuyến học từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động của các cấp hội. Nổi bật trong đó là việc hình thành và đi vào hoạt động của Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh với số dư hiện nay trên 30 tỷ đồng. Trên tinh thần đó, các huyện, thành phố cũng ra mắt các Quỹ Khuyến học, khuyến tài do UBND huyện quản lý; như các Quỹ Khuyến học: Vũ Duy Thanh (Yên Khánh), Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn), Tạ Uyên (Yên Mô), Lương Văn Thăng (Nho Quan), Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp), với số dư từ 700 triệu đến 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều loại quỹ Hội đồng hương khuyến học của các huyện, dòng họ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh.
Xác định khuyến khích, hỗ trợ phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị của Hội, do đó, ngay từ những tháng đầu, năm đầu thành lập Hội, các cấp hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội có những việc làm cụ thể, thiết thực đẩy mạnh phong trào "Chống bỏ học, giảm lưu ban", tích cực tham gia phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp vật chất, tinh thần, ngày công lao động xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Từ khi thành lập Quỹ đến nay, qua 6 lần phát thưởng, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh đã dành gần 7 tỷ đồng thưởng cho học sinh, sinh viên, vận động viên xuất sắc, con gia đình nghèo, gia đình chính sách vươn lên học giỏi. Nhiều huyện, thành phố đã duy trì tốt nền nếp tổ chức phát thưởng đầu xuân, động viên, khích lệ việc học tập trong xã hội, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Gần 20 năm qua đã có hàng triệu lượt giáo viên, học sinh, sinh viên được khen thưởng và cấp học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, con em gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn "hiếu học" với số tiền gần 30 tỷ đồng.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), Hội Khuyến học Ninh Bình là một trong các tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện chủ trương xây dựng TTHTCĐ. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2003, Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng được TTHTCĐ ở 100% các xã, phường, thị trấn. Với phương châm "cần gì học nấy", các Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức… tổ chức hàng nghìn buổi chuyên đề ở các lĩnh vực khác nhau để các tầng lớp nhân dân có nhu cầu về dự học.
Nhiều năm qua, các phong trào thi đua "Mùa xuân khuyến học", "Tháng 8 khuyến học", cuộc vận động "Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học"… được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. đến tháng 9-2016, đã có 189.875 gia đình đăng ký danh hiệu học tập, đạt 72%; 2.167 dòng họ đăng ký danh hiệu học tập, đạt 75%; 1.431 cộng đồng đăng ký danh hiệu học tập, đạt 76%; 478 cơ quan thuộc xã quản lý đăng ký danh hiệu đơn vị học tập, đạt 85%. Ninh Bình cũng đã tổ chức 4 kỳ đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học từ cấp xã đến cấp tỉnh. Nhiều dòng họ, cộng đồng được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Hội Khuyến học tỉnh tặng bức trướng đã long trọng tổ chức, đón rước về nhà thờ họ, cộng đồng để báo công.
17 năm phấn đấu và trưởng thành đã tạo nên một tổ chức hội khuyến học phát triển vững chắc trong hệ thống tổ chức xã hội của tỉnh. Ghi nhận thành tích đã đạt được, các cấp hội đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, Kỷ niệm chương… Riêng Hội Khuyến học tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 11 năm được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, của UBND tỉnh Ninh Bình và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của ủy ban MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt vừa qua, tổng kết 20 năm hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam, Ninh Bình được biểu dương là một trong 10 tỉnh xếp vào tốp đứng đầu cả nước với nhiều tiêu chí đạt cao, trong đó có 3/5 tiêu chí nổi bật là số chi hội khuyến học, tỷ lệ hội viên/dân số và số tiền quỹ khuyến học bình quân trên đầu người dân. Hội Khuyến học Ninh Bình cũng được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2010-2015.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp hội khuyến học tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Kiên trì tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, tuyên truyền tốt nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở địa phương, đơn vị. Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện tốt Đề án 281, xây dựng kế hoạch giám sát việc triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập ở các xã, phường, khu dân cư để việc đánh giá, cho điểm, công nhận và cấp giấy chứng nhận các mô hình học tập năm 2016 được nhịp nhàng, đồng đều và hiệu quả. Cùng với đó tiếp tục đổi mới phương pháp làm công tác vận động nhân dân và các lực lượng xã hội làm công tác khuyến học sát với thực tiễn mỗi địa phương, đơn vị nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng học tập tại các TTHTCĐ theo hướng đào tạo nhân lực, dạy nghề, tạo việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội ở từng địa bàn cấp xã.
Mỹ Hạnh