Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn được quan tâm và đẩy mạnh phát triển. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh như: đá mỹ nghệ, cói, thêu ren... ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, được thị trường chấp nhận, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời tạo việc làm cho lao động nông thôn, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh nói riêng còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nhiều ngành nghề còn đầu tư dàn trải, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn điệu, chưa tìm kiếm được nhiều thị trường tiềm năng. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo những mẫu mã mới mà sản xuất đơn điệu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đầu mối, chưa quan tâm nhiều đến công tác thiết kế các mẫu mã sản phẩm mang bản sắc riêng của địa phương. Chính vì thế, cuộc thi lần này đặt ra mục tiêu lớn nhất là khơi dậy những tiềm năng sáng tạo mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề. Qua đây cũng nhằm tôn vinh những nghệ nhân, những người trẻ có tính sáng tạo, tâm huyết với nghề thủ công truyền thống, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Sau hơn 2 tháng triển khai cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia cuộc thi còn hạn chế (bao gồm 26 doanh nghiệp và các cá nhân với 140 sản phẩm thuộc 6 chủng loại là: đá, thêu ren, cói, gỗ, gốm) nhưng hầu hết các sản phẩm dự thi đã đáp ứng yêu cầu của Ban tổ chức như: tính mới; có khả năng áp dụng rộng rãi trong các cơ sở sản xuất, có thẩm mỹ cao, ứng dụng chặt chẽ, đảm bảo tính nghệ thuật - dân tộc - hiện đại - đại chúng; có hiệu quả kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm có tính mỹ thuật cao và mang tính sáng tạo. Đặc biệt, một số sản phẩm đạt đến độ tinh xảo, ý tưởng độc đáo như sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ; một số sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của Ninh Bình để phục vụ du lịch như bộ sản phẩm gỗ mỹ nghệ, rượu Kim Sơn...
Có thể thấy, thông qua cuộc thi đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy những ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có kiểu dáng phù hợp với thị hiếu khách hàng và làm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ninh Bình trên thị trường, nhất là các sản phẩm có ưu thế phục vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Đồng thời đây sẽ là cơ sở để xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Ninh Bình.
Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Cuộc thi bước đầu đã góp phần tôn vinh các sản phẩm làng nghề, nhất là các sản phẩm truyền thống như cói, thêu, đá mỹ nghệ, sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du lịch theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm làng nghề các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác mẫu mã sản phẩm. Đây là việc làm cần thiết, phục vụ cho nhu cầu thị trường trong ngoài nước và phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có kế hoạch hỗ trợ phòng trưng bày, bán hàng lưu niệm ở các điểm du lịch trong tỉnh, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn kiến thức xúc tiến thương mại và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Theo ông Ưng Quốc Động, nghệ nhân làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư): Cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ lần này góp phần tôn vinh sản phẩm thêu ren của làng nghề thêu Văn Lâm của chúng tôi. Bên cạnh đó, cuộc thi lần này khẳng định tay nghề và tâm huyết của các nghệ nhân làng nghề Văn Lâm. Nếu được công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh, những nghệ nhân như chúng tôi sẽ có cơ hội để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Cùng với việc tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, Nhà nước nên quan tâm đến việc bảo tồn nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân của làng nghề, xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm ở các điểm du lịch, bảo tàng của làng nghề, các lễ hội truyền thống của làng... để thế hệ trẻ có thêm niềm tự hào về nghề của cha ông để lại.
Bảo Yến