Khi nhắc đến làng nghề ở Ninh Bình, người ta thường nhớ đến những sản phẩm thêu ren của những người dân làng Văn Lâm, huyện Hoa Lư với truyền thống lịch sử hơn 700 năm. Chỉ bằng những sợi chỉ mong manh đầy màu sắc, cùng với những tấm vải rộng, hẹp nhiều kích cỡ, đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng bay bổng, người dân Văn Lâm đã thả hồn vào từng đường kim, mũi chỉ để cho ra sản phẩm thêu tay tinh xảo.
Hiện nay, thôn Văn Lâm có gần 3.000 lao động làm nghề thêu kết hợp với du lịch và 16 nghệ nhân cấp tỉnh. Hầu như nhà nào cũng có khung thêu, có lao động gắn bó với nghề truyền thống này, bất chấp một thực tế là nghề thêu đã không còn ở thời hoàng kim như xưa.
Từ các mặt hàng truyền thống là thêu ren đủ màu sắc, các cơ sở sản xuất hầu hết đã dần chuyển sang làm hàng thêu pha dua trắng chất lượng cao tạo nên những mẫu hàng mới, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu thời hiện đại, nổi bật như ga trải giường, chăn gối, tranh, ảnh hay bộ khăn ăn. Càng nhiều sản phẩm, càng nhiều sự sáng tạo càng chứng tỏ sức sống hết sức mãnh liệt của một làng nghề vùng đất Hoa Lư cổ kính.
Ông Vũ Thanh Luân, Chủ tịch Ban Chấp hành làng nghề thêu Văn Lâm cho biết: Ban chấp hành Làng nghề thêu Văn Lâm đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Hội thêu Văn Lâm để vận động các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề thêu Văn Lâm tham gia trình diễn nghề thêu và tổ chức cuộc thi Bàn thay vàng thêu ren, giúp khách tham quan trải nghiệm thực tế nghề thêu, góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Bản thân ông Luân và các thợ lành nghề của gia đình ông cũng đang chuẩn bị các sản phẩm và trực tiếp tham gia trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống tại buổi lễ. Đây có thể xem là lần đầu tiên tỉnh tổ chức cuộc thi tay nghề với quy mô lớn và chuyên nghiệp, chính vì vậy những nghệ nhân làng nghề thêu Văn Lâm cảm thấy rất phấn khởi, xúc động. "Chúng tôi sẽ cố gắng để mang lại hình ảnh đẹp của làng nghề thêu truyền thống đến với du khách, góp phần khôi phục lại nghề thêu ren đang có nguy cơ mai một ở Văn Lâm", ông Vũ Thanh Luân chia sẻ.
Sự kiện này không chỉ tạo được sự chú ý của các nghệ nhân, thợ lành nghề làng nghề thêu mà thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Bà Vũ Thị Yến, Giám đốc Doanh nghiệp thêu Minh Trang, một doanh nghiệp xuất khẩu thêu truyền thống ở Ninh Hải cho biết: Doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị để tham gia "Cuộc thi bàn tay vàng thêu ren" nhằm phát động phong trào thi đua trong hoạt động nghề thêu, động viên khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy tình yêu nghề, giữ gìn và phát triển nghề thêu của địa phương.
Đồng thời góp phần giới thiệu một nét văn hóa nghề truyền thống đặc sắc của Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm làm nên nét đẹp của Tam Cốc - Ninh Bình.
Theo bà Vũ Thị Tuệ, đại diện Doanh nghiệp xuất khẩu Mặt trời xanh cũng cho rằng: Việc tổ chức trưng bày các sản phẩm thêu truyền thống và trình diễn nghề thêu tại chính mảnh đất đã sinh ra nó không chỉ nhằm mục đích giới thiệu về nghề thêu mà còn đưa nét văn hóa truyền thống này hòa cùng với tiềm năng cảnh quan du lịch tạo cho Tam Cốc - Bích Động nói riêng và Ninh Bình nói chung một loại hình du lịch đặc sắc, là một trải nghiệm thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Chính vì lẽ đó, Doanh nghiệp Mặt trời xanh cũng đang tích cực chuẩn bị sản phẩm trưng bày tại gian hàng và lựa chọn những tay kim điêu luyện trình diễn suốt thời gian diễn ra Tuần du lịch Ninh Bình.
Đồng chí Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Ninh Bình tại Làng nghề thêu Văn Lâm xã Ninh Hải, khu trung tâm của Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nhằm giới thiệu những nét đặc trưng tiêu biểu của sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình phục vụ du lịch, đặc biệt là các sản phẩm thêu của Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm. Ngoài ra, giúp các doanh nghiệp, HTX, làng nghề quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Dự kiến chia khu trưng bày thành 6 gian để trưng bày sản phẩm tiêu biểu của tỉnh: 4 gian trưng bày sản phẩm thêu ren và trình diễn nghề thêu; 2 gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng Ninh Bình phục vụ du lịch: gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc, gốm sứ Bồ Bát, gốm Gia Thủy, sản phẩm cói bèo Kim Sơn.
Cùng với việc trưng bày sản phẩm thêu ren, tại đây sẽ diễn ra hoạt động trình diễn nghề thêu ren nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu nghề thêu truyền thống của địa phương. Tạo điều kiện, cơ hội cho các thợ thêu và khách du lịch giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng thêu ren nhằm từng bước hoàn thiện kỹ thuật thêu ren của các thợ thêu. Mở ra không gian trải nghiệm trực tiếp các kỹ thuật thêu ren cho các khách du lịch đến tham quan.
Nguyễn Thơm