Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2008-2013, tỉnh ta đã triển khai 65 đề tài cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng kinh phí 84.084,32 triệu đồng. Trong đó kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh đầu tư là 23.550 triệu đồng, kinh phí từ các nguồn khác 60.534 triệu đồng.
Các đề tài, dự án ở lĩnh vực này đã có những kết quả nổi bật tác động tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã xác định được các sản phẩm chủ lực của địa phương như Lúa, Khoai lang Hoàng Long, Dê núi Ninh Bình, Hươu và gà lai giữa gà rừng lai gà ri (Cúc Phương); Tôm, Ngao, Cá Bống bớp. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển các ngành chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng kịp thời, phù hợp góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi tăng năng suất chất lượng nông thủy sản. Áp dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên một đơn vị diện tích; sử dụng công nghệ hiện đại trong chế biến sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn thị trường yêu cầu, đặc biệt đối với hành hóa nông sản chủ lực.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm ở các địa phương khác nhau, góp phần nhân rộng diện tích giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà. Tỉnh ta đã đưa vào khảo nghiệm và lựa chọn được các bộ giống lúa chất lượng cao như giống LT2, Bắc thơm số 7, QR1…, nâng diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 34% trong tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Gần đây, năm 2012 tỉnh ta đã triển khai đề tài: "Khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao tại tỉnh Ninh Bình năm 2012". Kết quả đề tài đã góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao như: giống lúa Nam Hương 10 và giống lúa PC36 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tăng chủng loại sản phẩm và chất lượng hàng hóa nông sản, góp phần bổ sung vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao của tỉnh. Từ hiệu quả của đề tài sẽ giúp nhân dân áp dụng và mở rộng sản xuất ở các năm tiếp theo. Ngoài các giống lúa chất lượng cao, các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tập trung lựa chọn, duy trì và phát triển các giống cây trồng bản địa là đặc sản như đề tài "Phục tráng giống khoai lang Hoàng Long bằng phương pháp truyền thống kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử, nhằm tăng năng suất, chất lượng phục vụ nhân giống thương mại tại tỉnh Ninh Bình" hay "Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh giống khoai sọ bản địa nhằm cung cấp nguồn giống sản xuất thương mại tại tỉnh Ninh Bình".
Năm 2012, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh Ninh Bình đạt 60,4 tạ/ha/vụ, sản lượng lương thực có hạt đạt 51,1 vạn tấn (tăng 2 vạn tấn so với năm 2008). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng từ 55 triệu đồng năm 2008 lên 86 triệu đồng năm 2012.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh ta đã thực hiện thành công các đề tài, dự án nhân, bảo tồn và phát triển các loại giống con nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: baba, nhím, gà rừng, lợn rừng, ếch, hươu, dê.....đã góp phần tạo ra các giống con nuôi mới, đa dạng hóa hình thức chăn nuôi và hình thành các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả kinh tế cao. Nâng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2012 cao hơn năm 2008 là 23,7%.
Điển hình như đề tài "Mô hình nhân nuôi lợn rừng Thái Lan thuần và lợn cỏ bản địa dưới tán vườn tạp kết hợp với bảo vệ môi trường tại xã Cúc Phương". Kết quả của đề tài tạo ra thế hệ con lai thương phẩm kế thừa các đặc điểm ngoại hình và trọng lượng của lợn rừng Thái Lan, có tỷ lệ thịt cao, tỷ lệ xương thấp, chất lượng thịt giàu đạm, nhiều khoáng, ít mỡ, giàu các axit amine. Khẩu phần ăn của các thế hệ con lai chủ yếu là thức ăn thô xanh, dễ kiếm và phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi Nho Quan. Đề tài cũng đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nhân giống, phòng trị bệnh cho lợn rừng và thế hệ con lai. Từ những kết quả trên, đề tài đã được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ, tiếp nhận và nhân rộng mô hình.
Hiện nay việc chăn nuôi và phát triển lợn rừng Thái Lan và các con lai của chúng trên địa bàn xã Cúc Phương là rất khả quan. Nhiều hộ dân của xã Cúc Phương đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn rừng dưới tán vườn tạp, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm/hộ, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, thôn Nga 2, xã Cúc Phương cho biết: Trước đây, do vườn rộng nên gia đình ông phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gà, lợn thương phẩm nhưng hiệu quả không cao. Khi Vườn Quốc gia Cúc Phương triển khai thành công đề tài nhân nuôi lợn rừng Thái Lan với lợn bản địa, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng dưới tán vườn tạp. Với giá thị trường hiện nay từ 240-250 nghìn đồng/kg lợn hơi, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Thanh có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Trong nuôi trồng thủy sản, các đề tài, dự án tiếp tục triển khai các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy tình kỹ thuật sản xuất như mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi Ngao tại vùng Cồn Nổi huyện Kim Sơn. Đề tài đã đi sâu vào nghiên cứu một số chỉ tiêu như: Môi trường vùng nuôi, thành phần sinh vật phù du trong môi trường, thành phần thức ăn trong ruột Ngao và bệnh Ngao từ đó đã phát hiện ra các loại địch hại rất nguy hiểm của Ngao tại Cồn Nổi. Thành công của đề tài là đã đưa ra được qui trình nuôi Ngao phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Theo tính toán của một số hộ nuôi Ngao, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ha có thể thu về bình quân 50 tấn Ngao/năm, có nơi còn thu được 60 - 70 tấn. Với giá thị trường hiện nay, thì giá trị kinh tế trong việc nuôi Ngao ở vùng đất này không phải là nhỏ. Ở vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhiều đề tài, dự án đã tập trung ứng dụng các công nghệ nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như đề tài: "ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Trắm đen thương phẩm tại tỉnh Ninh Bình". Kết quả nghiệm thu đề tài cho thấy, đối với các hộ nuôi ghép các loài cá truyền thống tại địa phương, lợi nhuận thu được trung bình chỉ đạt đạt 65 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, kết quả mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen lợi nhuận thu được 335 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản nên diện tích và sản lượng, giá trị sản xuất đã tăng qua các năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2005 có 7.600 ha năm 2011 nâng lên 9.560 ha; sản lượng thủy sản từ 14.000 tấn lên trên 32.000 tấn vào năm 2011; tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2005 ước đạt 317 tỷ thì năm 2011 tăng lên 998 tỷ đồng.
Cùng với việc áp dụng các thành tựu về giống, quy trình sản xuất thời gian qua, các đề tài, dự án cũng tập trung áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, trà, cơ cấu giống, các quy trình kỹ thuật thâm canh mới, cách phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu; sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản; các kỹ thuật phòng chống các bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm,....
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được chuyển giao cho các sở, địa phương, doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần cải thiện cuộc sống người nông dân. Bên cạnh những mặt tích cực thì triển khai ứng dụng các đề tài, dự án trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều hạn chế.
Theo ông Đinh Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khao học và Công nghệ: Một số đề tài, dự án áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do khó khăn về nguồn vốn hoặc không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai của các địa phương. Mặt khác hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp giữa Sở Khoa học và công nghệ và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa có sự hợp tác, thống nhất và gắn kết với nhau nên có trùng lắp về nội dung nghiên cứu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều và ít doanh nghiệp có điều kiện về vốn để triển khai các đề tài dự án khoa học công nghệ. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa đi sâu đề xuất xây dựng các đề tài khoa học công nghệ nên số đề tài có hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao, chưa tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thiết nghĩ, trong giai đoạn phát triển hiện nay, đặc biệt là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở khoa học, Công nghệ và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh trong việc triển khai các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nếu nghiên cứu trùng lặp nội dung. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả của các đề tài, dự án đã kết thúc vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng và có thể lồng ghép việc ứng dụng kết quả đề tài, dự án vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới để nâng cao đời sống người dân. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia thực hiện các đề tài, dự án.
Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan cần thực hiện có hiệu quả chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 23/02/2013 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2015-2020 và Chương trình phối hợp hoạt động giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2015.
Đi đôi với chương trình hành động của Tỉnh ủy, cần ưu tiên tập trung nghiên cứu các lĩnh vực cần thiết, các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực mà tỉnh đã định hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo đó, trong thời gian tới cần tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản, giống ít bị cạnh tranh, có lợi thế của từng vùng để sớm tạo được thương hiệu cho sản phẩm: các cây con đặc sản, chịu mặn, chịu hạn, chịu biến đổi khí hậu; bảo tồn quỹ gen; các đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; các hình thức xen canh, gối vụ an toàn, bền vững; phát triển ổn định cây vụ đông.
Đẩy nhanh tốc độ chuyển giao, ứng dụng quy trình công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, canh tác trên đất dốc theo phương thức nông - lâm kết hợp, nhân rộng mô hình kỹ thuật tiến bộ, đẩy nhanh tiến trình sản xuất hàng hóa và tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp: xây dựng các mô hình, dự án như sản xuất lúa chất lượng cao; thâm canh cây đậu tương; lạc giống mới; sản xuất rau an toàn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi lợn hướng nạc; nuôi vỗ béo trâu, bò; nuôi cá ruộng thâm canh; nuôi tôm công nghiệp; ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học trong chế phẩm vi sinh vật, chế phẩm bảo vệ thực vật có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và trong bảo quản nông sản sau thu hoạch…..
Bài, ảnh: Hồng Giang