Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi quyết định chạy xe hơn 20 km ngược tuyến đê Hoàng Long để tìm hiểu xem cái khó ở đây là gì. Trong tâm tưởng của tôi, cứ ngỡ đường vào Gia Minh bây giờ đổi thay lắm rồi bởi nhiều năm nay, các chương trình dự án cho xã nghèo vùng phân lũ, chậm lũ được Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều, nhưng gần 5 km đường vào trung tâm xã chỉ mới được rải cấp phối, ổ voi, ổ gà, lầy lội trơn trượt, đi lại hết sức khó khăn.
Mất gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến trụ sở UBND xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Tiến Minh, Chủ tịch UBND xã không ngần ngại chia sẻ: "Khó khăn lắm! ở đây động đến cái gì là khó cái đấy. 4 năm xã mới đạt được 4 tiêu chí NTM, còn những tiêu chí khác không biết đến bao giờ mới đạt".
Với 800 hộ dân và hơn 3.000 khẩu, thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa là cây trồng chủ đạo. Thuộc vùng phân lũ, chậm lũ, đất đai úng trũng, đất thịt không trồng được cây màu nên một năm bà con chỉ gieo cấy được 2 vụ lúa với 1 vụ mùa bấp bênh, năng suất bình quân trên dưới 40 tạ/ha.
Trước khó khăn trên, lãnh đạo xã Gia Minh cũng đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ như tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất lúa, đồng thời đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhưng do tập quán canh tác lâu đời, đến nay tổng diện tích lúa chất lượng cao toàn xã mới chỉ dừng ở con số 10 ha. Việc phát triển ngành nghề như làm nấm, chẻ tăm hương…, xã cũng đã tính tới nhưng chỉ làm nghề được một thời gian ngắn rồi bỏ bởi sản phẩm không có đầu ra.
Thành công duy nhất của Gia Minh đến lúc này là chuyển đổi được 160 ha diện tích lúa ngoài đê và vùng trũng trong đê kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Được biết, với 1 ha nuôi trồng thủy sản bà con có thể thu lãi cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này không phải dễ bởi nuôi cá yêu cầu vốn lớn, có lao động và trình độ kỹ thuật cao. Hiện toàn xã mới chỉ có khoảng 40 hộ thực hiện được mô hình này. Khi tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, cơ cấu ngành nghề nghèo nàn, đất sản xuất khan hiếm, cuộc sống của người dân vẫn còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn thì việc kéo giãn lực lượng lao động địa phương ra khỏi lĩnh vực nông-lâm-ngư và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3% gần như là không thể. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Minh vẫn còn 7,3% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,8%.
Thu nhập thì vậy, giao thông cũng đang là "nút thắt khó gỡ" đối với xã Gia Minh. Ông Đinh Thiện Thuật, xóm Hòa Bình cho biết: "Khi triển khai xây dựng NTM, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ đóng góp. Đến nay, 80-90% đường ngõ xóm của xóm tôi đã được bê tông hóa. Nhưng buồn một nỗi là đường liên xã, liên thôn thì chưa có tuyến nào được bê tông cả".
Theo lãnh đạo xã Gia Minh thì trước đây Gia Minh thuộc vùng phân lũ, chậm lũ nên được Nhà nước đưa về rất nhiều dự án như: xây dựng tuyến đường trục xã, công trình nước sạch, trường học. Tuy nhiên sau khi chương trình phân lũ, chậm lũ rút đi, các dự án vẫn chưa hoàn thành để lại những công trình dang dở, đường trục xã thì mới chỉ đổ được nền, còn trạm nước sạch hơn 10 năm nay mới chỉ dừng lại ở việc xây được cái nhà kho, trường mẫu giáo cũng xây xong phần thô rồi để đấy.
Tận mắt chứng kiến cảnh gần 10 cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Gia Minh phải làm việc trong một gian ki-ốt tạm bợ mượn của Ban quản lý chợ xã, đối diện là dãy nhà 2 tầng mười phòng đã được xây xong phần thô bỏ không cho cỏ mọc chúng tôi không khỏi xót xa. Cô giáo Vũ Thị Khánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Minh cho biết: 160 cháu phải học ở 5 khu lẻ mượn tạm tại các nhà văn hóa thôn. Còn dự án xây dựng trường mầm non được khởi công xây dựng từ tháng 6-2012, dự kiến đến tháng 3-2013 là xong. Nhưng thực tế tháng 6-2013, nhà thầu làm xong phần thô thì dừng lại do không có kinh phí. Hiện nay, do không có phòng học nên việc huy động các cháu đến trường, bố trí phân bổ giáo viên hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học.
Ngoài những bất cập trên, nhiều tiêu chí khác như y tế, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa… cũng đang "làm khó" chính quyền và nhân dân Gia Minh khi muốn đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM. Ông Hà Tiến Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Minh là một xã vùng sâu, vùng xa nên điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém. Chúng tôi cũng đang từng bước vận động nhân dân cùng với chính quyền thực hiện những công trình đơn giản trước như: làm đường giao thông thôn, xóm, xây dựng nhà văn hóa, đồng thời phát triển các mô hình kinh tế. Tới đây chúng tôi cũng đang xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa để nhanh chóng đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, với quá nhiều "chướng ngại vật" như trên, việc bảo đảm lộ trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở Gia Minh đúng thời gian dự định gần như là không thể. Do đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm, đầu tư kịp thời từ phía Nhà nước để mỗi năm xã phấn đấu hoàn thành bền vững từ 1-2 tiêu chí trở lên.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu