Hiện nay, toàn tỉnh có 360/484 trường học, có y tế trường học. Để nâng cao chất lượng y tế học đường, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vệ sinh trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh…; phối hợp với BHXH, Bảo Việt và các cơ quan bảo hiểm khác triển khai kế hoạch, hướng dẫn học sinh, học viên về công tác bảo hiểm thân thể, BHYT; phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn duy trì nâng cao số lượng học sinh tham gia khám sức khỏe đầu cấp và định kỳ cho học sinh.
Năm học 2007-2008, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đầu cấp và cuối cấp cho 100% số học sinh các trường trong tỉnh. Qua khám sức khỏe định kỳ, các trường đã kịp thời phát hiện hàng trăm học sinh bị bệnh về răng, mắt và các bệnh học đường khác, góp phần hạn chế số học sinh mắc các bệnh học đường. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe thông qua các chương trình ngoại khóa với nội dung phổ biến cho học sinh kiến thức về vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp,... đã thu hút 100% số trường tham gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục về sức khỏe, vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe cho học sinh để phòng tránh các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh về răng, miệng… Mạng lưới cán bộ y tế trong các trường học thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng, số trường có phòng y tế riêng biệt chiếm tỷ lệ thấp; một số trường có cán bộ y tế, nhưng lại không có phòng y tế riêng biệt, phải lồng ghép với các phòng chức năng để hoạt động.
Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số trường trên địa bàn huyện Nho Quan. Số trường có nhân viên chuyên trách công tác y tế trường học đến nay là 13 trường trong tổng số 54 trường gồm cả tiểu học, THCS. Ngoài số nhân viên y tế được tuyển dụng, các trường đã sử dụng nguồn kinh phí trích trả từ BHYT và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác, hợp đồng với cán bộ y tế ở các trạm y tế xã, phường hoặc do cán bộ, giáo viên nhà trường kiêm nhiệm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Tại Trường THCS Văn Phong có cán bộ chuyên trách y tế, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Còn ở Trường Tiểu học Gia Sơn, năm học này, nhà trường có 10 lớp với 252 học sinh. Song, công tác y tế học đường lại do nhân viên hành chính kiêm nhiệm, phòng y tế học đường chung với phòng Phó Hiệu trưởng. Mỗi khi học sinh bị bệnh trong giờ học thì các thầy, cô giáo đứng lớp đưa các em về phòng nghỉ của trường và sử dụng vốn hiểu biết của mình như bôi dầu, đánh gió, xoa bóp chân tay cho các cháu, nếu không đỡ thì đưa đến trạm y tế hoặc liên hệ với gia đình đưa đi bệnh viện.
Hiện nay, gần 50% số cán bộ chuyên trách về y tế của các trường trên địa bàn tỉnh do nhà trường tự hợp đồng và trả lương bằng nguồn kinh phí tự có (Quỹ BHXH, quỹ bán trú…). Vì chưa có biên chế nên người được hợp đồng cũng ít gắn bó với công việc, quyền lợi bị hạn chế nên không phát huy được chuyên môn. Kinh phí hoạt động thấp, chủ yếu dựa vào % bảo hiểm y tế để lại trường. Kích thước bàn ghế ở nhiều trường học chưa phù hợp với chiều cao của học sinh, phòng học chưa đủ ánh sáng....
Để mạng lưới y tế trường học của tỉnh ngày một phát triển và tạo điều kiện cho học sinh có sức khỏe tốt, thời gian tới, ngành Giáo dục cần tích cực phối hợp với gành Y tế kiện toàn mạng lưới y tế trong các nhà trường; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong trường học cho cả giáo viên và cha mẹ học sinh…; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại tất cả các trường trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa công tác y tế học đường vào nền nếp.
Hà Mi