Những điểm sáng từ cơ sở
Giới thiệu với chúng tôi con đường liên thôn khang trang, sạch đẹp vừa mới được bê tông hóa, bác Trương Văn Lực, Bí thư chi bộ thôn Lạc 1, xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) vui mừng cho biết: Đây là kết quả từ việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn nhân dân đóng góp ngày công, cát, đá...
Bác Lực cho hay, trước giờ, chưa có lúc nào vận động nhân dân đóng góp các khoản nghĩa vụ lại thuận lợi như mấy năm trở lại đây. Có được điều đó là nhờ người dân ở thôn Lạc 1 đã ý thức được quyền, nghĩa vụ của mình khi trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định tất cả những vấn đề liên quan đến xây dựng các công trình phúc lợi, nhất là việc người dân cử ra ban giám sát để giám sát chất lượng công trình, việc thu chi; khi hoàn thành công trình thì công khai các khoản cho dân biết. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, mặc dù là thôn thuần nông nhưng bình quân mỗi khẩu đã tự nguyện đóng góp tới 320 nghìn đồng, nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất ở, phá dỡ công trình xây dựng, chặt bỏ cây cối… để bê tông 300 m đường liên thôn và mở rộng 2 km đường nội đồng.
Đồng chí Đinh Ngọc Long, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Vân chia sẻ, là xã bán sơn địa lại nằm trong vùng xả lũ của huyện Nho Quan điều kiện kinh tế khó khăn, trước đây, việc huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông liên thôn còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, bởi chẳng hộ nào chịu thiệt... Nhưng khi thực hiện tốt QCDC ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Lạc Vân đã phát huy sức mạnh tổng lực của nhân dân để làm đường giao thông, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, không đòi hỏi tiền đền bù. Hưởng ứng phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới", người dân trong xã đã hiến hơn 5.200 m2 đất, đóng góp trên 6.000 ngày công để bê tông hóa 2,5 km đường liên thôn.
Cũng như xã Lạc Vân, ở nhiều địa phương trong tỉnh khi QCDC đi vào cuộc sống đã góp phần giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề phức tạp ở cơ sở như giải phóng mặt bằng, khiếu nại tố cáo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Đồng chí Tống Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) cho biết, từ năm 2006 đến nay, xã đã tiến hành giải phóng mặt bằng triển khai 12 dự án lớn của tỉnh, của huyện liên quan tới 642 hộ dân với tổng diện tích thu hồi trên 578 nghìn m2. Bám sát nội dung QCDC cơ sở, các bước tiến hành giải phóng mặt bằng ở xã đều được tiến hành một cách công khai, minh bạch, các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng đều được thông tin đầy đủ tại các cuộc họp dân, sinh hoạt đoàn thể, chi bộ, qua hệ thống truyền thanh…
Ninh Giang còn tổ chức nhiều buổi đối thoại giúp các hộ hiểu rõ hơn các chế độ, chính sách của Nhà nước cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đề xuất với cơ quan cấp trên xem xét giải quyết và có biện pháp vận động phù hợp. Ngoài ra, nhân dân còn được tham gia giám sát việc quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, chế độ, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương... Nhờ vậy đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao trong nhân dân, tạo điều kiện để các dự án có mặt bằng thi công đúng tiến độ.
Nâng cao chất lượng thực hiện QCDC
Đồng chí Nguyễn Văn Phiếu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng QCDC huyện Nho Quan cho biết, theo Pháp lệnh số 34 về thực hiện QCDC, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Các địa phương đã tiến hành công khai hóa những nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt trong phong trào thi đua "Chung tay xây dựng NTM", các xã đã tạo điều kiện để người dân trực tiếp bàn bạc, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quy hoạch, xây dựng danh mục công trình phúc lợi; dồn điền, đổi thửa; mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn…
Một số nơi còn tổ chức đối thoại với nhân dân, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần quan trọng ngăn ngừa những vi phạm, tiêu cực, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Theo đồng chí Nguyễn Văn Biên, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, hơn 10 năm thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cho thấy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đã được đổi mới theo hướng sát cơ sở, sát dân, giải quyết một cách kịp thời, hiệu quả các yêu cầu chính đáng của dân… Qua đó, tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế. Đó là một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, dẫn đến triển khai xây dựng và thực hiện QCDC còn mang tính hình thức. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết và nhân rộng các điển hình có nơi chưa đồng bộ; hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế…
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở, mở rộng các nội dung cần xin ý kiến nhân dân, nhất là những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, chính sách xã hội.
Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí; đội ngũ cán bộ công chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện QCDC ở cơ sở, đặc biệt trong công tác giám sát, phản biện gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải, tổ tự quản cơ sở…, tạo động lực để phát triển toàn diện, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Quốc Khang